Trong nhiếp ảnh có 3 yếu tố cơ bản và quan trọng giúp bạn tạo ra được một bức ảnh đẹp, đó chính là:
- Tốc độ màn trập
- Khẩu độ
- ISO
Bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khẩu độ máy ảnh, để xem nó là gì và ảnh hưởng của nó lên bức ảnh thế nào?
Khẩu độ là gì?
Hiểu một cách đơn giản khẩu độ chính là một lỗ trong ống kính có khả năng cho ánh truyền vào thân máy. Điều quan trọng nằm ở chỗ: Cái lỗ này có khả năng tăng hoặc giảm kích cỡ từ đó làm cho ánh sáng truyền vào trong thân máy nhiều hoặc ít. Nó hoạt động tương tự như sự co giãn của mống mắt làm kích thước đồng tử thay đổi ở mắt người.
Nói một cách khoa học và kỹ thuật hơn, định nghĩa khẩu độ sẽ là: “Việc mở ống kính mà qua đó giúp ánh sáng đi vào trong thân máy”
Khẩu độ được đo lường như thế nào?
Nếu bạn muốn hiểu sâu và chi tiết hơn về cách người ta đo lường khẩu độ hãy tham khảo một bài viết chi tiết tại Wikipedia
Còn mình chỉ hiểu một cách đơn giản như sau: Khẩu độ camera được thể hiện thông qua ký hiệu “f / con số cụ thể” ví dụ: f / 2, f / 3.5, f / 8…
Việc tìm khẩu độ trên máy ảnh cũng khá đơn giản, trên màn hình LCD hoặc kính ngắm khẩu độ sẽ được ký hiệu dưới dạng như f / 2, f / 3.5… Tuy nhiên một số máy đã bỏ đi dấu gạch chéo ở giữa, nó chỉ còn là: f2, f3.5, f8…
Bạn có thể xem ví dụ cụ thể qua hình ảnh bên dưới:
Kích thước khẩu độ: Khẩu độ lớn và khẩu độ nhỏ
Đầu tiên bạn hãy nhìn hình bên dưới này đã:
Bạn có thấy điều gì khác biệt so với lẽ thường không? Nếu bạn bảo rằng: Số càng nhỏ thì khẩu độ càng lớn thì chính xác rồi đó! Bạn cần nhớ rằng: f/2 lớn hơn rất nhiều so với f/8 hay nói cách khác f/2 “mở” nhiều hơn so với f/8.
Để thêm minh chứng về điều này, bạn hãy nhìn hình dưới:
Thường khi nói đến khẩu độ lớn tức là nhắc đến f / 1.4, f / 2 hoặc f / 2.8. Còn khi nhắc đến khẩu độ nhỏ tức là nhắc đến f / 8, f / 11 hoặc f / 16
Ảnh hưởng của khẩu độ đến hình ảnh
Khẩu độ ảnh hưởng đến 2 yếu tố của một bức ảnh, cụ thể:
Độ sáng hay độ phơi sáng của hình ảnh
Rõ ràng khi khẩu độ lớn (tức lỗ trên ống kính mở rộng hơn) ánh sáng truyền vào thân máy đến cảm biến ảnh sẽ nhiều hơn, kết quả làm cho bức ảnh sáng hơn. Khi khẩu độ nhỏ (lỗ trên ống kính mở nhỏ hơn) ánh sáng đi vào cảm biến ảnh sẽ ít hơn, kết quả làm cho bức ảnh tối hơn.
Hãy nhìn bức ảnh dưới đây để hiểu cách khẩu độ ảnh hưởng đến độ sáng của bức ảnh
Vì thế trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc vào ban đêm, bạn nên để khẩu độ lớn để thu được nhiều ánh sáng hơn! Hoặc làm điều ngược lại nếu muốn bức ảnh tối hơn.
Độ sâu trường ảnh
Một hiệu ứng quan trọng mà khẩu độ ảnh hưởng đến bức ảnh, đó chính là độ sâu trường ảnh. Hiểu một cách đơn giản nhất, độ sâu trường ảnh là “lượng” ảnh xuất hiện sắc nét từ trước ra sau trong bức ảnh của bạn. Thú thực là mình cũng thấy câu này nó khó hiểu? Nhưng không sao, xem 2 bức hình dưới bạn sẽ hiểu ngay thôi!
Bạn đã thấy sự khác biệt chưa? Rõ ràng ảnh “càng mờ nhiều” thì độ sâu trường ảnh càng nông và “càng sắc nét nhiều” thì độ sâu trường ảnh càng sâu (Cũng lan man quá nhỉ?)
Vậy khẩu độ ảnh hưởng như nào đến độ sâu trường ảnh?
Bạn chỉ cần nhớ 2 điều này thôi:
- Khẩu độ càng lớn, độ sâu trường ảnh càng “nông” hay nói cách khác ảnh càng có nhiều vùng “mờ”. Thường khi chụp chân dung hoặc trong trường hợp bạn muốn làm mờ hậu cảnh thì sử dụng khẩu độ lớn.
- Khẩu độ càng nhỏ, độ sâu trường ảnh càng “sâu” hay nói cách khác ảnh sẽ có ít vùng “mờ”. Thường áp dụng khẩu độ nhỏ khi chụp phong cảnh, công trình kiến trúc hoặc bất cứ khi nào bạn muốn bức ảnh không có hậu cảnh bị mờ.
Thêm một hình ảnh so sánh nữa cho bạn dễ hiểu:
Cách chọn khẩu độ phù hợp?
Đọc đến đây chắc bạn cũng biết ảnh hưởng của khẩu độ đến bức ảnh như nào rồi? Tuy nhiên chọn mức khẩu độ bao nhiêu là phù hợp? Câu trả lời phụ thuộc vào bạn, vì nhiếp ảnh là nghệ thuật mà nghệ thuật thì không có giới hạn và quy chuẩn cụ thể nào cả!
Mặc dù vậy, bạn hãy tham khảo 2 bức ảnh dưới đây để phần nào biết được mức khẩu độ và độ sáng tương ứng của bức ảnh.
Còn độ sâu trường ảnh thì sao? Hãy quan sát bức ảnh so sánh bên dưới:
Nếu bạn muốn chụp làm mờ hậu cảnh mà bức ảnh lại quá tối, hãy tăng độ sáng bằng cách điều chỉnh tốc độ màn trập. Trường hợp không thể tăng tốc độ màn trập thêm nữa (vì độ sắc nét và hiệu ứng “chuyển động mờ”) bạn có thể tăng ISO lên.
Nói chung đọc lý thuyết thì vậy thôi, cách tốt nhất là bạn cứ cầm máy đi thực hành nhiều lần, bỏ lỡ nhiều thời điểm đẹp rồi sẽ biết cách chọn ngay thôi!
Đặt khẩu độ cho máy ảnh thế nào?
Có 2 cách:
- Chọn chế độ “Ưu tiên khẩu độ”: Bạn sẽ được quyền tùy chỉnh khẩu độ còn máy sẽ tự chỉnh tốc độ màn trập cho bạn.
- Chọn chế độ “Thủ công”: Bạn có thể chỉnh cả khẩu độ và tốc độ màn trập theo ý muốn
Trong cả hai cách, bạn đều có thể đặt ISO ở chế độ tự động hoặc chỉnh thủ công. Thông thường trên máy ảnh chế độ ưu tiên khẩu độ sẽ được ký hiệu là “A” hoặc “Av”.
Giới hạn khẩu độ trên ống kính
Mỗi ống kính đều sẽ có giới hạn khẩu độ tối đa và tối thiểu. Đối với hầu hết mọi người, khẩu độ tối thiểu thường không quá quan trọng vì hầu như tất cả các ống kính ngày nay đều có khẩu độ tối thiểu là f/16. Bạn sẽ hiếm khi hoặc không bao giờ sử dụng mức khẩu độ nhỏ hơn!
Khẩu độ tối đa của ống kính càng lớn khả năng thu nhận ánh sáng của nó càng lớn. Thông thường, ống kính có khẩu độ càng lớn sẽ càng đắt!
Với một số ống kính zoom, khẩu độ tối đa sẽ thay đổi khi bạn phóng to và thu nhỏ. Ví dụ, với ống kính Nikon 18-55mm f / 3.5-5.6, khẩu độ lớn nhất dịch chuyển dần từ f / 3.5 sang f / 5.6 khi bạn thay đổi tiêu cự. Tuy nhiên một số ống kính đắt tiền lại không như vậy, khẩu độ tối đa không hề thay đổi trong phạm vi zoom của chúng. Đúng là tiền nào của đấy có khác!
Bạn có thể dễ dàng biết được khẩu độ tối đa của ống kính là bao nhiêu. Vì nó thường được bao gồm luôn trong tên của ống kính. Tuy nhiên một số trường hợp nhà sản xuất họ thay dấu gạch chéo bằng dấu hai chấm. Ví dụ: Nikon 50mm 1:1.4G có khẩu độ tối đa là f/1.4
Kết luận
Khẩu độ là yếu tố đầu tiên mình xem xét khi muốn chụp một bức ảnh vì nó là một yếu tố quan trọng và cơ bản nhất trong nhiếp ảnh. Hầu như hơn 90% thời gian chụp ảnh mình đều để máy ở chế độ “Ưu tiên khẩu độ”, vì mình không muốn máy chọn khẩu độ cho mình!
Mong rằng những chia sẻ bên trên của mình về khẩu độ giúp bạn có thêm kiến thức về khẩu độ của máy ảnh. Chúc bạn chụp được những bức ảnh đẹp!