ISO máy ảnh là gì? Những điều bạn cần biết về ISO camera

Một trong số 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến một bức ảnh là: ISO máy ảnh (Hai yếu tố quan trọng còn lại là: Tốc độ màn trập và Khẩu độ). Bằng việc kiểm soát ISO một cách hiệu quả bạn có thể tạo ra những bức ảnh đủ sáng và sắc nét. Trong bài này hãy cùng mình tìm hiểu xem ISO máy ảnh là gì? Cách mà nó ảnh hưởng đến bức ảnh thế nào? Cũng như cách sử dụng ISO?

ISO máy ảnh là gì?

Hiểu một cách đơn giản ISO là một cài đặt có trong máy ảnh giúp bạn làm sáng hoặc tối ảnh hơn. Khi bạn tăng ISO ảnh sẽ sáng lên và ngược lại khi giảm ISO ảnh sẽ tối đi. Chính vì vậy ISO là một công cụ rất linh hoạt giúp bạn điều chỉnh độ sáng của bức ảnh, đồng thời nó cũng giúp bạn linh hoạt hơn trong việc lựa chọn tốc độ màn trập và khẩu độ.

Tuy nhiên việc nâng cao ISO cũng có hậu quả, nó sẽ làm bức ảnh của bạn có nhiều hạt hay còn được là “nhiễu” và thậm chí trong một số trường hợp còn không sử dụng được. Vì vậy bạn chỉ nên tăng ISO khi không thể làm sáng ảnh bằng tùy chỉnh khẩu độ hoặc tốc độ màn trập. Ví dụ: Nếu sử dụng tốc độ màn trập dài hơn sẽ làm bức ảnh bị nhòe.

iso máy ảnh

Rõ ràng độ sáng của bức ảnh tăng dần từ ISO 100 lên ISO 1600

Các giá trị ISO phổ biến

Mỗi camera có một phạm vi ISO riêng biệt, tuy nhiên thường sẽ có các giá trị sau:

  • ISO 100 (ISO thấp)
  • ISO 200
  • ISO 400
  • ISO 800
  • ISO 1600
  • ISO 3200
  • ISO 6400 (ISO cao)

Khi bạn tăng giá trị ISO lên gấp 2 lần độ sáng của bức ảnh cũng tăng lên gấp 2 lần. Ví dụ: Một bức ảnh có ISO 400 sẽ sáng hơn so với khi ở ISO 200

ISO cơ bản là gì?

ISO gốc thấp nhất trên máy ảnh được gọi là ISO cơ bản. Tại sao con số này lại quan trọng? Vì nó thể hiện tiềm năng tạo ra được một bức ảnh sắc nét nhất, giảm thiểu khả năng bị nhiễu nhất. Một số máy ảnh có mức ISO cơ bản là 200, trong khi hầu hết các máy hiện nay con số này 100.

Khi chụp một bức ảnh bạn hãy cố gắng sử dụng ISO cơ bản để chất lượng hình ảnh ở mức tốt nhất. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể làm như vậy, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu.

Một số máy ảnh có khả năng mở rộng giá trị ISO cao nhất và thấp nhất ra khỏi phạm vi cơ bản của chúng. Tuy nhiên khả năng này làm giảm chất lượng hình ảnh khá rõ ràng. Mình khuyên bạn không nên sử dụng chúng.

Độ “nhiễu” ở các mức ISO thấp và cao

Bạn hãy nhìn hình so sánh dưới (Chú ý vào mức độ “nhiễu”, màu hạt và màu sắc):

iso camera

Sự khác biệt là rất rõ ràng: ISO 3200 có độ “nhiễu” nhiều hơn so với ISO 200. Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao độ sáng của 2 bức ảnh này lại tương đương nhau trong khi giá trị ISO khác nhau. Câu trả lời chính là: Sử dụng tốc độ màn trập dài ở mức ISO 200.

ISO càng cao thì bức ảnh càng bị nhiễu, chính vì vậy bạn nên tránh sử dụng ISO cao bất cứ khi nào có thể!

Cách thay đổi ISO

Mỗi máy ảnh khác nhau lại có những cách thay đổi ISO khác nhau. Dưới đây là một số cách phổ biến:

  • Đầu tiên hãy thoát khỏi chế độ để ISO tự động. Bạn có thể chọn chế độ Thủ công hoàn toàn, Ưu tiên khẩu độ, Ưu tiên tốc độ màn trập hoặc bất cứ chương trình nào cho phép thay đổi ISO
  • Đối với một số máy ảnh DSLR cấp thấp hoặc máy ảnh không gương lật có thể bạn sẽ phải mở Menu và tìm đến phần cho phép thay đổi giá trị ISO
  • Đối với những máy cao cấp: Thường sẽ có một nút ISO chuyên dụng, nhấn vào nó đồng thời xoay một trong số các bánh xe để thay đổi trị số ISO. Nếu không có nút ISO chuyên dụng, một số máy ảnh vẫn cho phép bạn cài đặt một nút nào đó để thực hiện công việc này
  • Một vài máy ảnh có luôn một chiếc bánh xe chuyên để thay đổi giá trị ISO. Đây là loại tiện lợi và xịn nhất đó!

Nếu bạn vẫn không thể tìm thấy cách thay đổi ISO, hãy đọc kỹ quyển hướng dẫn sử dụng đi kèm. Việc thay đổi ISO một cách nhanh chóng rất có lợi vì bạn sẽ phải điều chỉnh chỉ số này một cách thường xuyên, đặc biệt trong môi trường thiếu sáng mà lại không có chân đỡ máy hoặc đèn flash.

Nên sử dụng giá trị ISO nào?

Các tình huống khác nhau cần sử dụng ISO khác nhau. Và bạn cần thực hành nhiều mới có thể nắm vững được nghệ thuật này!

Tuy nhiên, tại đây mình sẽ đề cập đến một số tình huống hay gặp nhất:

Khi nào nên sử dụng ISO thấp?

Như mình đã nói bên trên, bạn nên sử dụng mức ISO cơ bản (mức ISO thấp nhất mà máy ảnh của bạn có) bất cứ khi nào có thể. Trong điều kiện đủ sáng bạn hoàn toàn có thể thoải mái lựa chọn mức ISO thấp mà không sợ ảnh bị thiếu sáng.

Tuy nhiên trong điều kiện thiếu sáng bạn vẫn có thể sử dụng mức ISO thấp. Ví dụ: Nếu máy ảnh được cố định tốt bằng giá đỡ hoặc đặt trên bàn hãy tăng tốc độ màn trập lên và sử dụng mức ISO thấp để giúp bức ảnh ít nhiễu nhất và sắc nét nhất. Nhưng bạn hãy nhớ rằng: Khi tốc độ màn trập dài mọi thứ đang chuyển động đều sẽ bị hiện tượng “chuyển động mờ”

iso máy ảnh là gì

Tốc độ màn trập dài có thể tạo ra những “con ma”!

Khi nào nên sử dụng ISO cao?

Mặc dù ISO thấp rất tốt cho việc giữ ảnh không bị “nhiễu”, nhưng không phải trong trường hợp nào bạn cũng dùng ISO thấp được. Nhiều trường hợp ISO cao rất cần thiết!

Lý do đầu tiên khiến bạn sử dụng ISO cao chính là khi muốn loại bỏ “chuyển động mờ” hoặc chụp đứng một vật đang di chuyển với tốc độ cao. Lúc này bạn cần cân nhắc giữa một bức ảnh có độ sắc nét cao ở ISO cao hoặc một bức ảnh mờ ở mức ISO thấp.

Hãy nhìn hình dưới:

iso trong máy ảnh là gì

ISO 800, 1/2000, f / 5.6

Trong bức ảnh trên, máy ảnh cần 1/2000 giây để chụp đứng cảnh con chim đang bay với giá trị ISO là 800. Nếu sử dụng mức ISO 100 thì máy ảnh sẽ cần tốc độ màn trập là 1/250 giây để bức ảnh đủ sáng. Nhưng ở tốc độ màn trập 1/250 giây hình ảnh con chim sẽ bị mờ rất nhiều và không được sắc nét vì con chim đang di chuyển rất nhanh. Nếu cho bạn chọn, bạn sử dụng mức ISO nào?

Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ: Bạn nên tăng ISO khi máy ảnh không đủ ánh sáng để chụp được một bức ảnh sắc nét.

Cách giảm tối đa “nhiễu” và tăng chất lượng hình ảnh

Rất nhiều nhiếp ảnh gia nghĩ rằng cách tốt nhất để chất lượng ảnh chụp cao là sử dụng ISO cơ bản trong 100% thời gian chụp. Điều này hoàn toàn không khả thi!

  • Trong trường hợp chụp ảnh hành động, thể thao, vật chuyển nhanh mà bạn muốn bắt nét thì việc sử dụng ISO cao là cần thiết
  • Đôi khi trong môi trường tối cách duy nhất để làm ảnh sáng lên là tăng ISO

Để tăng tối đa chất lượng hình ảnh, bạn hãy thử áp dụng 4 bước sau:

  1. Chọn mức khẩu độ sao cho bức ảnh có độ sâu trường ảnh ở mức bạn mong muốn
  2. Đặt ISO ở mức cơ bản, đặt tốc độ màn trập thành giá trị giúp ảnh có đủ độ sáng thích hợp
  3. Nếu đối tượng cần chụp bị nhòe hãy tăng dần ISO lên đồng thời sử dụng tốc độ màn trập nhanh cho đến khi nào chuyển động mờ biến mất
  4. Nếu ISO của bạn đã quá cao mà bạn có thể tăng khẩu độ, hãy tăng nó lên cho đến khi nào ISO ở mức chấp nhận được. Mặc dù đôi khi bạn phải hy sinh độ sâu trường ảnh mong muốn!

Khi sử dụng 4 bước này, bạn sẽ cân bằng được 3 yếu tố: Nhiễu, chuyển động mờ và độ sâu trường ảnh

Trên đây là một số chia sẻ của mình về ISO trong máy ảnh, mong rằng những chia sẻ này có ích với bạn. Chúc bạn chụp được những bức ảnh đẹp!

Gửi bình luận & đánh giá

Để lại bình luận

Reviewed
Logo