Trong nhiếp ảnh có 3 yếu tố chính mà bạn cần biết, thậm chí còn phải hiểu rõ về nó đó chính là:
- Tốc độ màn trập
- Khẩu độ
- ISO
Bài viết này mình sẽ cùng bạn tìm hiểu về yếu tố đầu tiên: Tốc độ màn trập của máy ảnh
Tốc độ màn trập là gì?
Nếu bạn đã tìm hiểu về cấu tạo chung của máy ảnh kỹ thuật số. Chắc hẳn bạn sẽ biết rằng trong máy ảnh có một bộ phận được gọi là: Màn trập máy ảnh. Khi bạn ấn nút chụp màn trập mở ra và cho ánh sáng truyền vào cảm biến ảnh. Sau khi cảm biến thu thập đầy đủ ánh sáng, màn trập sẽ đóng lại ngay lập, ngăn không cho ánh sáng đi vào cảm biến.
Nút chụp ảnh còn được gọi là nút “màn trập” vì nó có tác dụng làm cho cửa trập mở hoặc đóng.
Vậy cái màn trập này thì ảnh hưởng gì đến tốc độ màn trập? Tốc độ màn trập chính là “khoảng thời gian” màn trập mở để cho ánh sáng đi vào cảm biến ảnh. Nói cách khác nó chính là khoảng thời gian để máy ảnh của bạn chụp được 1 bức ảnh.
Xem thêm về định nghĩa tốc độ màn trập tại Wikipedia
Tốc độ màn trập được đo lường như thế nào?
Tốc độ màn trập được đo bằng giây. Nếu nó lớn 1 giây thì đơn giản rồi, cứ gọi là 1 giây, 2 giây, 3 giây thôi! Trong trường hợp nó nhỏ hơn 1 giây, nó sẽ được đo bằng phần của giây. Ví dụ: 1/4 nghĩa là một phần tư giây, 1/250 nghĩa là một phần hai trăm năm mươi giây.
Các máy ảnh DSLR hay mirrorless ngày nay có thể xử lý tốc độ màn trập lên đến 1/4000 giây, thậm chí một số máy cao cấp có thể xử lý đến 1/8000 giây hoặc nhanh hơn nữa. Còn tốc độ màn trập dài nhất thường được cài đặt là 30 giây với hầu hết mọi máy. Tất nhiên nếu bạn muốn nó lâu hơn cũng được.
Tốc độ màn trập ảnh hưởng thế nào đến bức ảnh được chụp ra?
Nó sẽ ảnh hưởng đến 2 yếu tố:
- Độ sáng của bức ảnh
- Hiệu ứng chuyển động của bức ảnh
Tốc độ màn trập và hiệu ứng chuyển động
Khi bạn sử dụng tốc độ màn trập dài, tức là thời gian cảm biến tiếp xúc với ánh sáng lâu, sẽ có một hiệu ứng xảy và có thể tạm gọi nó là: “Chuyển động mờ” hay “bóng mờ”. Hiểu một cách đơn giản tức là: Vật thể sẽ có những bóng mờ theo hướng nó chuyển động.
Hiệu ứng này được sử dụng khá thường xuyên khi chụp quảng cáo ô tô và xe máy, nhờ có nó mà cảm giác tốc độ và chuyển động được truyền đạt tới người xem qua bóng mờ của bánh xe.
Ngoài ra tốc độ màn trập dài còn được ứng dụng để chụp cảnh thác nước, dòng sông. Nó giúp tạo cảm giác chuyển động của nước mà vẫn giữ nguyên cảnh sắc xung quanh.
Ngược lại, khi bạn sử dụng tốc độ màn trập nhanh (tức là thời gian cảm biến tiếp xúc với ánh sáng ngắn), bạn có thể chụp đứng được những vật thể chuyển động nhanh. Nếu bạn sử dụng tốc độ màn trập siêu nhanh, bạn có thể loại bỏ chuyển động của những vật chuyển động nhanh như: Chim đang bay, vận động viên trượt ván hoặc ô tô xe máy đang di chuyển tốc độ cao. Hay thường gặp hơn là bạn có thể chụp được những giọt nước đang rơi một cách sắc nét, mà mắt thường không nhìn thấy được!
Nói cho ngắn gọn:
- Tốc độ màn trập nhanh giúp chụp đứng các vật đang di chuyển nhanh
- Tốc độ màn trập dài giúp tạo hiệu ứng chuyển động hay “chuyển động mờ” khi bạn chụp các vật đang chuyển động
Tốc độ màn trập và độ sáng của ảnh
Đây chính là ảnh hưởng quan trọng thứ 2 của tốc độ màn trập với bức ảnh bạn chụp ra.
- Nếu bạn sử dụng tốc độ màn trập dài: Cảm biến sẽ tiếp xúc với ánh sáng lâu hơn và thu nhận được nhiều ánh sáng hơn. Kết quả là ảnh sẽ sáng hơn
- Nếu bạn sử dụng tốc độ màn trập nhanh: Cảm biến sẽ tiếp xúc với ánh sáng ít hơn, thu nhận ít ánh sáng hơn. Kết quả là ảnh sẽ tối hơn
Tuy nhiên, tốc độ màn trập không phải thứ duy nhất ảnh hưởng đến độ sáng của bức ảnh. Khẩu độ và ISO cũng góp một phần không hề nhỏ. Vì vậy bạn cần linh hoạt khi phối hợp 3 yếu tố này để có thể tạo ra một bức ảnh ưng ý và hoàn hảo nhất.
Tốc độ màn trập có thể được sử dụng như một công cụ giúp điều chỉnh độ sáng của bức ảnh. Ví dụ: Trong một ngày nắng, nhiều ánh sáng bạn cần sử dụng tốc độ màn trập nhanh để bức ảnh của bạn không bị phơi sáng quá mức. Ngược lại khi chụp trong điều kiện thiếu sáng, tốc độ màn trập dài sẽ giúp bạn lấy được nhiều ánh sáng hơn. Trong trường hợp để tốc độ màn trập dài, bạn cần phải giữ máy một cách cố định trong suốt quá trình chụp, nếu không ảnh sẽ rất dễ bị nhòe, mờ do chuyển động rung của máy khi cầm trên tay.
Thế nào là tốc độ màn trập nhanh, chậm và dài?
Tốc độ màn trập nhanh thường được dùng để chụp đứng một chuyển động nào đó. Ví dụ khi bạn chụp một chú chim đang bay tốc độ màn trập có thể là 1/1000 giây hoặc nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, với những chuyển động chậm nó có thể là 1/200 giây hoặc 1/100 giây.
Tốc độ màn trập dài thường là hơn 1 giây, khi để ở tốc độ này bạn cần phải cố định máy ảnh để tránh hình ảnh bị nhòe, mờ. Thường chúng ta sử dụng tốc độ màn trập dài để chụp trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc cố ý tạo hiệu ứng “chuyển động mờ”. Bạn cần nhớ rằng: Nếu bạn dùng tốc độ màn trập dài, bất kể thứ gì đang chuyển động nó đều sẽ xuất hiện bóng mờ!
Tốc độ màn trập từ khoảng 1/100 giây cho đến 1 giây được gọi là tương đối chậm. Khi dùng ở tốc độ này bạn không cần phải có một giá đỡ cố định máy ảnh, vì độ rung do việc cầm máy trên tay không ảnh hưởng đến chất lượng bức ảnh. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào ống kính hay khả năng chống rung quang học của hệ thống máy ảnh bạn sở hữu. Nếu nó có một hệ thống giảm rung tốt, bạn có thể cầm máy trên tay để chụp ở tốc độ màn trập chậm.
Cách cài đặt tốc độ màn trập
Hầu hết các máy ảnh đều tự động chỉnh tốc độ màn trập theo điều kiện môi trường và chế độ chụp. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chỉnh nó theo ý muốn.
- Đặt máy ảnh ở chế độ: “Ưu tiên màn trập”. Lúc này bạn sẽ chọn tốc độ màn trập còn máy ảnh sẽ tính toán khẩu độ cho bạn.
- Đặt máy ảnh ở chế độ: “Thủ công”. Lúc này bạn toàn quyền lựa chọn tốc độ màn trập, khẩu độ theo ý muốn
Trong cả 2 cách bên trên bạn có thể đặt ISO theo cách thủ công hoặc để tự động.
Hầu hết mọi trường hợp, mình khuyên bạn nên để máy ảnh tự động đặt tốc độ màn trập. Mình thường sử dụng chế độ “Ưu tiên khẩu độ” trong hơn 90% thời gian chụp ảnh, còn việc tính toán tốc độ màn trập hãy để cho máy.
Tốc độ màn trập hiển thị ở đâu trên máy ảnh?
Nó vô cùng dễ tìm thôi! Đối với những máy ảnh DSLR có màn hình LCD ở phía trên, nó thường được hiển thị ở góc trên cùng bên trái. Bạn xem hình dưới để dễ hình dung:
Nếu máy ảnh của bạn không có màn hình LCD bên trên (Thường máy cấp thấp sẽ không có), hãy nhìn vào kính ngắm, bạn sẽ thấy tốc độ màn trập ở phía dưới bên trái. Còn nếu không có cả 2 thứ này thì sao? Còn màn hình LCD mà!
Hầu hết các máy ảnh, tốc độ màn trập dưới 1 giây sẽ không được hiển thị như dạng 1/100, 1/200 mà nó sẽ là một số kiểu như 125 ở ảnh bên trên. Khi nó lớn hơn hoặc bằng một giây, nó sẽ có thêm ký hiệu ngoặc kép (“).
Thế nếu bạn vẫn không tìm thấy thì sao? Còn một cách nữa: Đặt máy ảnh ở chế độ “Ưu tiên khẩu độ”, tắt ISO tự động đi. Sau đó di chuyển ống kính máy ảnh từ vùng tối đến sáng. Nhìn vào màn hình LCD, con số nào thay đổi thì nó chính là tốc độ màn trập.
Trên đây là một vài chia sẻ của mình về tốc độ màn trập của camera, mong rằng chúng có ích với bạn!