Bạn đang chuẩn bị bước vào một cuộc chơi mang tên: Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Nhưng bạn còn đang trên con đường tìm kiếm những thiết bị, phụ kiện máy ảnh cần thiết cho cuộc chơi này! Bạn không biết bạn thực sự cần những gì? Nghe nói là phải có: Máy ảnh, ống kính, chân đế, thẻ nhớ… và nhiều thứ khác nữa?
Trong bài viết này mình sẽ cùng bạn đi sâu vào tìm hiểu xem cần những thiết bị, phụ kiện máy ảnh nào để chụp ảnh chuyên nghiệp.
1. Máy ảnh
Có lẽ đây là thiết bị quan trọng nhất và phải chăm chút cho nó nhiều nhất! Hiện trên thị trường có rất nhiều loại máy ảnh khác nhau và chúng khiến cho bạn không biết nên chọn cái nào, thương hiệu nào?
Theo mình, để bắt đầu chụp ảnh chuyên nghiệp, có 2 dòng máy tốt nhất cho bạn chọn là: DSLR hoặc Mirrorless (Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về 2 loại máy này tại đây). Sự khác biệt chủ yếu giữa 2 dòng máy này chính là DSLR có gương phản xạ còn Mirrorless thì không. Chính điều này khiến Mirrorless được gọi là máy ảnh không gương lật và chúng nhỏ gọn, nhẹ hơn so với DSLR.
Nếu bạn hỏi mình: Chọn cái nào tốt hơn? Mình sẽ trả lời: Cái nào cũng được, vì mỗi loại đều có những ưu, nhược điểm riêng. Chưa loại máy nào thực sự thắng áp đảo cả!
Có thể bạn sẽ nghe thấy thuật ngữ: “entry level” và bạn nghĩ rằng những chiếc máy ảnh nằm ở phân khúc này quá yếu, ít tính năng hoặc tồi tệ hơn là dùng chúng không thể chụp ảnh đẹp được! Bạn không nên tin vào điều đó, đây là những chiếc máy ảnh tuyệt vời cho người mới bắt đầu và cả những người chuyên nghiệp. Chúng quá đủ cho nhu cầu học tập của bạn!
Mình cũng đã có một bài tư vấn chọn mua máy ảnh DSLR cho người mới, bạn có thể tham khảo tại đây
Bạn nên quan niệm rằng: Máy ảnh chỉ là một công cụ, nhiếp ảnh là sáng tạo! Bạn có thể tạo ra những bức ảnh đẹp bằng bất cứ thiết bị nào, kể cả là chiếc điện thoại trong tay. Điều quan trọng là bạn hiểu thứ bạn đang sử dụng là gì! Bạn luôn luôn có thể nâng cấp trong tương lai, đừng vội mua khi bạn cảm thấy nó không hợp với bạn.
2. Ống kính
Cùng với máy ảnh, ống kính cũng là một thiết bị quan trọng không kém. Thậm chí trong nhiều trường hợp nó còn quan trọng hơn cả máy ảnh. Bởi vì nó là thiết bị giúp tập trung ánh sáng vào cảm biến máy ảnh.
Một số loại máy ảnh (bao gồm 2 loại máy DSLR và Mirrorless chúng ta đề cập bên trên) có khả thay đổi ống kính. Loại máy ảnh này được gọi là “Máy ảnh hoán đổi ống kính”. Đây chính là lợi thế lớn nhất của máy ảnh chuyên nghiệp, việc thay được ống kính giúp bạn có thể chụp được nhiều thể loại khác nhau, nhiều hiệu ứng khác nhau và nâng cao chất lượng ảnh.
Có những loại ống kính nào?
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại ống kính khác nhau, nhưng có vài loại phổ biến mà bạn nên biết:
- Ống kính KIT zoom: Loại này chính là những ống kính đi kèm máy, chúng thường có mức giá rẻ và đủ cho nhu cầu sử dụng hàng ngày. Chúng thường có tính linh hoạt khá cao vì có khả năng điều chỉnh tiêu cự. Chẳng hạn ống kính 14-42mm, 16-50mm, 18-50mm, 18-55mm hoặc 18-105mm
- Ống kính tiêu cự cố định (Ống kính fix, ống kính không zoom): Ví dụ: ống kính 25mm f / 1.8, ống kính 35mm f / 1.8 hoặc 50mm f / 1.8. Những ống kính loại này không thể thay đổi tiêu cự được, tính linh hoạt của chúng không cao như loại zoom nhưng chất lượng hình ảnh của chúng rất tốt. Đặc biệt chúng tạo hiệu ứng bokeh (xóa phông) rất tuyệt vời khi chụp chân dung, ảnh người. Có lẽ bạn nên đọc thêm bài viết của mình về khẩu độ để hiểu rõ hơn về điều này.
- Ống kính zoom tele: Ví dụ: 55-200mm, loại ống kính này cho phép bạn chụp được những chủ thể ở rất xa máy ảnh như động vật hoang dã hoặc thể thao. Tuy nhiên hầu hết những người mới chơi, đều chưa cần hoặc không cần dùng đến loại này.
Tiêu cự của ống kính
Mỗi một ống kính đều có một con số đi theo sau là đơn vị mm. Đây chính là tiêu cự của ống kính. Hiểu một cách đơn giản: Tiêu cự của ống kính thể hiện khả năng “phóng to” hay mức độ hẹp-rộng mà máy ảnh chụp được. Nếu bạn vẫn chưa hình dung ra, hãy nhìn hình dưới:
Ống kính có tiêu cự lớn hơn (thường lớn hơn 85mm) được gọi là ống kính tele, chúng giống như kính viễn vọng, phóng to mọi thứ ở xa. Những ống kính có tiêu cự thấp hơn (thường là thấp hơn 28mm) được gọi là ống kính góc rộng, chúng cho bạn một cái nhìn bao quát hơn.
Sự khác biệt cơ bản giữa ống kính tiêu cự cố định và ống kính zoom
- Ống kính zoom: Bao gồm nhiều mức tiêu cự, bạn có thể thu nhỏ và phóng to bức ảnh một cách dễ dàng
- Ống kính tiêu cự cố định: Chỉ có một mức tiêu cự, bạn không thể phóng to hay thu nhỏ được. Muốn phóng to hay thu nhỏ bạn cần di chuyển máy ảnh lại gần hoặc ra xa chủ thể cần chụp. Cách này vẫn được gọi vui là zoom bằng “chân”!
Chọn loại nào bây giờ?
Cái này tùy thuộc vào nhu cầu của bạn, nếu bạn là người mới thường sẽ bạn có xu hướng chọn ống kính KIT zoom hoặc ống kính zoom với dải tiêu cự lớn. Khi bạn chơi đủ lâu, bạn sẽ thấy ống kính fix tốt hơn với bạn vì nó cho ra chất lượng hình ảnh mà ống kính zoom ít khi bằng. Trường hợp bạn đã chơi “quá lâu” đến mức thành nghiệp (có khi còn là “chướng”) thì loại nào bạn cũng chiến được hết bất kể fix, zoom, kit, cũ mới, đắt rẻ!
Điều quan trọng là bạn biết thứ bạn đang cầm trên tay là gì?
3. Túi đựng máy ảnh
Việc chọn một máy ảnh và ống kính khá là khó khăn. Tuy nhiên việc mua một chiếc túi đựng lại đơn giản hơn rất nhiều. Bạn cần chọn được một chiếc túi đem lại cảm giác thoái mái khi sử dụng, mà cảm giác là một thứ gì đó rất chủ quan!
Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
- Nhiếp ảnh gia cảnh quan: Những người này rất hay đi bộ và họ thường đi du lịch đường dài, nên việc sắm một chiếc ba lô đeo vai khá phù hợp.
- Nhiếp ảnh gia đường phố hoặc chụp ảnh khi đi du lịch: Một chiếc túi đeo vai sẽ phù hợp nhất với những bạn nào có nhu cầu này. Vì chúng nhỏ gọn, dễ dàng tiếp cận
- Nhiếp ảnh gia đám cưới: Với nhu cầu này theo mình bạn nên sắm cả một chiếc vali để mang được nhiều phụ kiện hơn. Ngoài ra, một chiếc túi đeo vai nhỏ cũng rất cần thiết vì khi đi chụp đám cưới việc di chuyển là điều không thể tránh khỏi
- Nhiếp ảnh gia chụp trong phòng thu: Có lẽ cái họ cần chỉ là một chiếc vali để di chuyển khi đi xa mà thôi!
Thông thường khi bạn mua máy ảnh, bạn luôn được tặng kèm một chiếc dây đeo. Tuy nhiên theo thời gian, nó thường không đem lại cảm giác thoải mái như lúc đầu nữa. Lúc này bạn nên sắm một chiếc mới, nó sẽ giúp bạn thoải mái hơn để “sáng tác”
4. Thẻ nhớ
Thứ quan trọng tiếp theo chính là thẻ nhớ. Khi chọn mua thẻ nhớ bạn cần quan tâm đến 2 yếu tố sau:
- Khả năng lưu trữ: Thẻ nào càng có dung lượng cao càng tốt, vì nó càng giúp bạn chứa được nhiều ảnh hơn. Theo mình bạn nên chọn loại có dung lượng ít nhất từ 32GB mà tốt nhất là 64GB
- Tốc độ: Càng nhanh càng tốt. Nếu bạn hay chụp ảnh thể thao, động vật hoang dã một chiếc thẻ nhớ có tốc độ nhanh là rất cần thiết. Vì trong trường hợp này bạn sẽ cần chụp liên tục rất nhiều bức ảnh, việc có một tốc độ ghi nhanh sẽ giúp máy ảnh của bạn hoạt động mượt mà hơn
Nhìn chung đây là một thiết bị có mức giá rẻ hơn so với nhiều thiết bị máy ảnh khác, nó rất dễ mua.
5. Chân máy ảnh
Nếu bạn hay chụp phong cảnh, quay video việc sắm một chiếc chân đế máy ảnh rất cần thiết. Những nhiếp ảnh gia đường phố, chân dung hoặc đám cưới có lẽ không hay sử dụng đến nó.
Chân đế máy ảnh sẽ giúp bạn chụp ở tốc độ màn trập dài mà không lo ảnh bị nhòe, rung. Đặc biệt đây là thiết bị không thể thiếu với những bạn nào quay video.
Nếu mới bắt đầu bạn nên mua những chân đế có giá từ 500k đến 1 triệu, khi bạn cảm thấy nó không đáp ứng được hãy tính đến chuyện mua chân đế bằng sợi carbon cao cấp.
5. Kính lọc
Đây là một thiết bị được lắp phía trước ống kính của bạn (hoặc đôi khi là phía sau, nhưng rất hiếm). Nó có tác dụng thay đổi ánh sáng đi vào cảm biến. Đây là một phụ kiện gần như không thể thiếu trong nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Có 4 loại kính lọc:
- Kính lọc tia cực tím (UV): Giúp ngăn chặn tia cực tím tiếp xúc với cảm biến máy ảnh, đồng thời giúp ngăn ngừa bụi và giảm xước cho ống kính. Nhiều nhiếp ảnh gia luôn luôn sử dụng kính lọc này khi chụp, trong khi một số lại chỉ sử dụng trong những điều kiện khắc nghiệt
- Kính lọc phân cực: Loại kính lọc này rất quan trọng với nhiều nhiếp ảnh gia. Loại kính lọc này giúp làm tối đi bầu trời xanh và giảm sự phản xạ trong ảnh ở một mức nhất định. Nếu bạn chụp ảnh thực vật, bầu trời, nước theo mình bạn nên sắm lấy một cái
- Kính lọc sáng theo từng phần (GND): Có tính năng giảm lượng ánh sáng trong hình ảnh nhưng chỉ giảm sáng ở một phần, không giảm toàn bộ bức ảnh. Kính lọc này được sử dụng nhiều khi chụp ảnh có độ tương phản cao, khung cảnh có ánh sáng phân bố không đều theo dạng dọc hoặc ngang. Loại kính lọc này rất hữu ích khi bạn muốn làm tối một phần của ảnh một cách có chọn lọc
- Kính lọc theo mật độ ánh sáng tự nhiên (ND): Nó làm giảm lượng ánh sáng tổng thể tới cảm biến ảnh của bạn. Loại kính này rất hữu ích khi bạn muốn chụp ảnh với hiệu ứng “chuyển động mờ” ở tốc độ màn trập dài nhưng ánh sáng lại mạnh. Ví dụ: Những tình huống như thác nước hay sông, biển nhằm tạo cảm giác nước mượt mà như dải lụa hay những tình huống cần tăng độ mở ống kính, giảm độ sâu trường ảnh…
Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng mà bạn chọn loại kính lọc cho phù hợp. Tuy nhiên, mình khuyên bạn nên chọn những kính lọc cao cấp, chất lượng tốt vì loại giá rẻ sẽ làm giảm chất lượng ảnh chụp của bạn.
6. Đèn Flash rời
Hầu hết nếu không muốn nói là tất cả máy cảnh chuyên nghiệp ngày này đều có tích hợp đèn Flash. Tuy nhiên, với những nhiếp ảnh gia chân dung hoặc thường xuyên chụp trong nhà, nơi điều kiện ánh sáng yếu, đèn flash đi kèm máy là không đủ.
Nhiếp ảnh gia đường phố, cảnh quan có lẽ sẽ không cần sử dụng đến thiết bị này. Với đại đa số những người với nhu cầu sử dụng hàng ngày có lẽ cũng không cần đến một chiếc đèn flash rời.
8. Pin dự phòng
Theo mình bạn nên sắm thêm ít nhất một viên pin dự phòng. Đặc biệt nếu bạn hay chụp ảnh cảnh quan, đường phố, hay lang thang đi bộ hoặc đi du lịch dài ngày để chụp ảnh thì việc sắm thêm một cục pin dự phòng là rất cần thiết.
Thậm chí nhiều trường hợp 2 viên pin (cả pin sẵn có của máy và pin dự phòng) vẫn không đủ, bạn hãy cân nhắc mua thêm vài viên nữa.
9. Dụng cụ vệ sinh
Vệ sinh máy ảnh, ống kính và các phụ kiện kèm theo rất quan trọng. Nếu bạn để bụi phủ đầy lên ống kính hay cảm biến ảnh, chất lượng hình ảnh sẽ bị giảm đi rất nhiều.
10. Công cụ xử lý hậu kỳ
Để hoàn thiện một tác phẩm đẹp, bạn cần có thêm những thứ sau:
- Một chiếc máy tính có cấu hình đủ mạnh
- Một màn hình máy tính có khả năng hiển thị chính xác màu sắc và chi tiết. Màn hình có mức giá hợp lý được nhiều người lựa chọn nhất hiện nay là Dell U2415
- Phần mềm xử lý hậu kỳ: Nếu bạn nhắc đến Photoshop thì cũng đúng tuy nhiên phần mềm này quá mạnh mẽ với nhiếp ảnh giá. Nó phù hợp với kỹ sư thiết kế đồ họa, nhà quảng cáo hơn. Phần mềm được nhiều người sử dụng nhất chính là Lightroom và theo mình nếu bạn là người mới thì cũng nên sử dụng nó!
Ngoài 10 mục mình nêu bên trên ra còn khá nhiều thiết bị, phụ kiện máy ảnh khác nữa, ví dụ: Máy in, điều khiển từ xa… Tuy nhiên, theo mình hãy chỉ sắm những thiết bị này khi bạn thực sự chọn được thể loại nhiếp ảnh mà bạn muốn theo đuổi. Nếu bạn bảo rằng: Loại nào bạn cũng muốn chụp thì mình chịu rồi@
Kết luận
Chọn một bộ máy ảnh để chụp ảnh chuyên nghiệp không hề dễ dàng gì! Có quá nhiều thứ cần mua, nào là: Máy ảnh, ống kính, pin, thẻ nhớ, chân đế, kính lọc, túi đeo rồi dụng cụ vệ sinh… mà những thứ này đâu có rẻ? Tuy vậy, bạn không cần phải mua hết những thứ này ngay lập tức. Hãy bắt đầu với một chiếc máy ảnh dành cho người mới, một vài ống kính phổ biến. Sau một thời gian, bạn sẽ biết bạn cần gì!
Cuối cùng: Thiết bị máy ảnh chỉ là một công cụ, điều quan trọng là kỹ thuật chụp ảnh, sức sáng tạo và con mắt thẩm mỹ của bạn!