Bạn đang muốn mua một chiếc máy ảnh DSLR nhỏ gọn? Bạn muốn nó có mức giá vừa phải? Bạn mới tập chụp ảnh chuyên nghiệp và muốn mua một chiếc DSLR để học tập và làm quen? Nếu bạn có nhu cầu như vậy thì máy ảnh Canon EOS 200D có thể đáp ứng tốt các yêu cầu trên của bạn.
Trong bài viết này mình sẽ cùng bạn tìm hiểu xem liệu chiếc máy ảnh DSLR Canon EOS 200D có thực sự đáng mua hay không?
Thông số kỹ thuật chính
- Cảm biến CMOS APS-C 24,2MP
- Bộ xử lý ảnh DIGIC 7
- Kính ngắm quang học, độ phóng đại 0.87x, phạm vi ngắm 95%
- Màn hình LCD, 3 inch, cảm ứng đa điểm, quay đa góc
- Tốc độ chụp: 5fps
- ISO 100-25,600 (có thể mở rộng đến ISO 100-51,200)
- Quay video 1080p, tốc độ tối đa 60fps
- Tích hợp wifi, NFC, Bluetooth
- Tuổi thọ pin: 650 bức
- Dual Pixel AF
- Hệ thống lấy nét 9 điểm
- Trọng lượng 453g
- Kích thước: 122,4 × 92,6 × 69,8 mm
Nhìn chung các thông số kỹ thuật của máy quá đủ cho một chiếc máy ảnh dành cho người mới. Nổi bật nhất có lẽ là tính năng Dual Pixel AF và màn hình cảm ứng có thể xoay đa góc của nó.
Thiết kế của Canon 200D
Xét một cách tổng quát, mình đánh giá cao chất lượng hoàn thiện cũng như cảm giác cầm máy trên tay. Nó tốt hơn so với chiếc Nikon D3400 cùng phân khúc của Nikon.
Máy có độ hoàn thiện tốt, cảm giác cầm chắc chắn, độ bám tốt. Chất liệu nhựa polycarbonat kèm sợi carbon và sợi thủy tinh giúp máy có thể chống chịu được những vết trầy xước khi sử dụng hàng ngày. Tất nhiên nếu đem so với những thế hệ cao cấp hơn như EOS 80D hay EOS 77D thì 200D không thể bằng được. Nhưng không sao, mình vẫn thấy chiếc máy này rất ổn khi cầm trên tay!
Với những chiếc máy ở mức giá này việc trang bị khả năng chống nước, chống bụi hay chịu được thời tiết khắc nghiệt là điều không thể rồi! Dù vậy nếu bạn sử dụng nó trong những cơn mưa nhỏ, mọi chuyện chắc vẫn sẽ bình thường
Có nhiều bạn chắc chắn sẽ băn khoăn về độ bền của màn hình LCD có khả năng quay đa góc của Canon 200D. Riêng mình, mình vẫn thích một chiếc máy có màn hình quay được hơn!
Nhìn chung nếu bạn quyết định mua chiếc máy ảnh này, bạn sẽ phải ấn tượng về thiết kế của nó khi đem so với các đổi thủ cùng phân khúc.
Tính tiện lợi khi dùng Canon EOS 200D
Nhìn chung với những bạn mới sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp, máy tương đối dễ làm quen và sử dụng. Tuy nhiên máy cũng có một số hạn chế trong việc cung cấp các phím tắt giúp thay đổi nhanh chóng một số cài đặt. Mình có thể nêu ra đây một số hạn chế sau:
- Thay đổi cài đặt lấy nét tự động: Bạn cần vào menu hoặc menu nhanh bằng cách nhấn SET để thay đổi chế lấy nét tự động từ “One shot” (tự động lấy nét một lần) sang “AI servo” (Lấy nét liên tục khi giữ nút lấy nét). Không có cách nào nhanh hơn để thay đổi cài đặt này, tin mình đi nhiều lúc bạn sẽ thấy ức chế về việc này đó!
- Để thay đổi giữa các chế độ chụp 5fps, màn trập yên tĩnh, chế độ chụp tự động bạn cần phải truy cập vào menu ở sâu bên trong máy. Nếu bạn hay sử dụng chế độ tự động để chụp phong cảnh có lẽ bạn cần một thứ gì đó nhanh hơn
Đó chỉ là 2 thứ rõ ràng nhất mình nhận ra được khi trải nghiện Canon EOS 200D. Nhưng xét cho đến cùng những gì mà 200D cung cấp là quá đủ cho một người mới tập chụp ảnh chuyên nghiệp.
Khả năng lấy nét của Canon EOS 200D
Hệ thống lấy nét của máy hoạt động rất tốt đối với những đối tượng không di chuyển, nhưng với những đối tượng di chuyển thì mình thấy nó chưa thực sự nhanh và chính xác.
Máy lấy nét tốt đối với những đối tượng không di chuyển, bạn có thể nhận thấy rõ khi sử dụng kính ngắm và chế độ xem trực tiếp. Thậm chí cả với những đối tượng có độ tương phản thấp ở trong môi trường ánh sáng yếu máy cũng lấy nét tốt. Đối với những bạn nào thích chụp ảnh kiến trúc, cảnh quan khi đi du lịch Canon EOS 200D chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng!
Tuy nhiên với những đối tượng di chuyển nhanh và đặc biệt là đã nhanh lại còn nhỏ nữa thì máy lấy nét khá thiếu chính xác. Thông thường, ngay cả khi bạn để máy ở chế độ AI Servo thì việc bị mất nét khi đối tượng di chuyển nhanh là điều thường xuyên xảy ra.
Có thể bạn sẽ nghĩ: Vậy hóa ra khả năng lấy nét với những vật di chuyển của Canon EOS 200D là rất kém? Điều này hoàn toàn không đúng! Khi bạn chụp những vật có kích thước lớn, di chuyển chậm và sử dụng các điểm lấy nét ở trung tâm máy vẫn lấy nét nhanh và chính xác.
Hãy nhìn những bức ảnh chụp các chú vịt ở phía sau bụi cỏ ở bên dưới, bạn sẽ thấy khả năng lấy nét của máy vẫn khá tốt:
Với những đối tượng lớn nhưng di chuyển nhanh, máy vẫn có thể bắt nét được.
Mình không thể nói chắc chắn với bạn rằng hệ thống lấy nét của Canon EOS 200D là tốt nhất trong số những máy ảnh DSLR dành cho người mới (Chiếc Nikon D3400 có khả năng lấy nét tốt hơn đối với những đối tượng di chuyển nhanh, bạn có thể đọc bài đánh giá Nikon D3400 để biết rõ hơn). Nhưng với nhu cầu sử dụng của hầu hết mọi người Canon EOS 200D vẫn đáp ứng rất tốt. Bạn chỉ gặp khó khăn khi sử dụng máy vào việc chụp động vật hoang dã hay các môn thể thao nhanh mà thôi!
Chất lượng hình ảnh
Chất lượng hình ảnh của Canon EOS 200D là rất tốt. Tuy nhiên ở mức ISO cao máy xử lý chưa thực sự tốt. Bạn hãy xem bộ hình ảnh chụp từ mức ISO 100 đến ISO 25.600 dưới đây:
Canon EOS 200D, ISO 100
Canon EOS 200D, ISO 200
Canon EOS 200D, ISO 400
Canon EOS 200D, ISO 800
Canon EOS 200D, ISO 1600
Canon EOS 200D, ISO 3200
Canon EOS 200D, ISO 6400
Canon EOS 200D, ISO 12800
Canon EOS 200D, ISO 25600
Nhìn chung nếu cho mình chọn, mình sẽ chỉ dùng ảnh có mức ISO 1600 trở xuống, đặc biệt lắm thì dùng đến ISO 3200.
Khả năng quay video
Với khả năng quay video tối đa là 1080p, 60fps rõ ràng chiếc máy này không hướng đến đối tượng muốn làm video chuyên nghiệp. Chất lượng video của nó ở mức trung bình và đáp ứng tốt nhu cầu của những người sử dụng cơ bản.
Trải nghiệm khi quay video bằng 200D rất tốt nhờ hệ thống lấy nét Dual Pixel kèm khả năng chạm vào màn hình cảm ứng để lấy nét. Nó giúp bạn nhanh chóng lấy nét và theo dõi bất kỳ khuôn mặt nào đang ở trong ống kính. Ngoài ra Canon 200D còn có khả năng kết nối với micro rời để nâng cao chất lượng âm thanh.
So sánh Canon EOS 200D với các đối thủ
Canon EOS 200D với Canon EOS 750D
Có lẽ 750D chính là đối thủ lớn nhất so với 200D vì hai sản phẩm này đều cùng nhắm đến phân khúc những người mới tập chụp ảnh và chúng có giá tương đương nhau.
Xét về hệ thống lấy nét thì 750D hơn so với 200D khi mà nó có đến 19 điểm lấy nét (trong khi 200D chỉ có 9 điểm)
Xét về khả năng kết nối, màn hình LCD, kính ngắm, độ phân giải chúng tương tự nhau
Canon 200D nổi trội hơn khi so với 750D về mặt kích thước, trọng lượng, tuổi thọ pin cũng như chất lượng hình ảnh.
Nhìn chung nếu bạn cần một chiếc máy ảnh DSLR thế hệ mới, bộ xử lý hình ảnh mới, chất lượng hình ảnh tốt kèm một kích thước và trọng lượng nhỏ gọn theo mình bạn nên chọn 200D. Nếu bạn muốn chụp ảnh thể thao, những vật thể nhỏ di chuyển nhanh có lẽ hệ thống lấy nét 19 điểm của 750D sẽ tốt hơn!
Canon EOS 200D với Nikon D3400
Xét về mặt thiết kế mình đánh giá cao 200D hơn, khả năng kết nối và màn hình LCD đa góc của 200D cũng vượt trội hơn so với Nikon D3400. Đó là chưa kể đến công nghệ lấy nét Dual Pixel và ống kính KIT đi kèm của Canon EOS 200D vẫn khiến mình thích nó hơn so với Nikon D3400
Xét về mặt chất lượng hình ảnh: Cả 2 máy đều có chất lượng hình ảnh rất tốt. Tuy nhiên nếu nói về chất lượng ảnh ở mức ISO cao, chiến thắng thuộc về Nikon D3400.
Nếu bạn quan sát kỹ bạn sẽ thấy ảnh của D3400 ở ISO 6400 trông như ảnh của 200D ở ISO 3200. Sự khác biệt này rất quan trọng, tuy nhiên có thể nó cũng không khiến bạn chọn Nikon thay vì Canon!
Thêm một điều nữa sẽ khiến bạn thích Nikon D3400 hơn đó là giá của nó chỉ hơn 9 triệu thôi, trong khi 200D có giá khoảng 12 triệu. Một con số khá chênh lệch!
Canon EOS 200D so với máy ảnh Mirrorless
Nếu bạn không thích DSLR thì trong tầm giá này có khá nhiều máy ảnh không gương lật cho bạn lựa chọn.
- Fujifilm X-A5: Đây là thế hệ tiếp theo của X-A3, máy sở hữu một thân hình nhỏ gọn, thiết kế đẹp và đầy ấn tượng. Thiết kế của dòng Fuji X-A luôn là điểm cộng của nó! X-A5 cũng sở hữu những tính năng rất tuyệt vời so với tầm giá của nó: Hệ thống lấy nét 91 điểm, công nghệ lấy nét lai, tốc độ chụp nhanh hơn so với 200D (6fps). Tuy nhiên nó lại không có kính ngắm, tuổi thọ pin ngắn hơn (410 bức so với 650 bức). Xét về mặt chất lượng hình ảnh, cả 2 máy đều tương đương nhau. Nhìn chung cả 2 đều là những lựa chọn tốt trong tầm giá, chọn máy nào tùy thuộc vào việc bạn quan tâm nhiều đến thiết kế, tốc độ lấy nét hay tuổi thọ pin và kính ngắm.
- Sony A6000: Cùng mức giá với Canon 200D nhưng chiếc máy này sở hữu những ưu điểm khiến cho rất nhiều người quyết định lựa chọn nó: Tốc độ chụp 11 khung hình/giây, lấy nét tự động với 179 điểm và một trọng lượng rất nhẹ chỉ 344 gram thôi! Tuy nhiên A6000 lại yếu thế hơn về tuổi thọ pin, màn hình không linh hoạt như 200D. Nói chung trong cùng phân khúc bạn sẽ không thể tìm thấy một chiếc máy ảnh nào có cùng kích cỡ cảm biến mà lại nhỏ gọn như Sony A6000!
Kết luận
Nhìn chung khi đem so sánh Canon EOS 200D với các đối thủ cùng phân khúc nó không thực sự nổi bật. Tuy nhiên nếu bạn thích một chiếc máy ảnh DSLR của Canon có kích thước nhỏ gọn, chất lượng chụp ảnh tốt, cảm biến thế hệ mới, màn hình cảm ứng linh hoạt thì 200D rất đáng để cân nhắc!