Lenovo ThinkPad T590 chính là phiên bản lớn hơn của chiếc laptop khá thành công ThinkPad T490. Hệ thống khung máy lớn hơn, cùng với một số nâng cấp khiến T590 là chiếc laptop 15,6 inch mỏng nhẹ nhất của dòng T. Tuy nhiên cũng có một số điểm mà nó không được tốt bằng người anh em nhỏ hơn của mình.
ThinkPad T series luôn là những mũi nhọn trong thị trường của Lenovo, nhưng thực tế, đa số chúng đều là những chiếc laptop 14 inch. Dĩ nhiên là Lenovo cũng như IBM trước kia cũng có những chiếc ThinkPad T 15.6 inch, nhưng phần lớn chúng đều không được khách hàng dành nhiều sự quan tâm với số lượng bán ra ít hơn khá nhiều. Dù vậy, đây vẫn là những chiếc laptop tốt và thú vị. Từ khi nhiều người không còn sử dụng laptop màn hình nhỏ 14 inch nữa, thì đây chính là cơ hội lớn cho những chiếc laptop 15.6 inch. Hứa hẹn mang lại trải nghiệm màn hình lớn cùng với những tính năng cao cấp của ThinkPad dòng T. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu tới các bạn chiếc Lenovo ThinkPad T590, chiếc laptop mới mất của ThinkPad T series với màn hình 15.6 inch. Đây là thế hệ tiếp theo của T580 và là thế hệ thứ 9 của dòng ThinkPad T500.
Khi so sánh với những người anh em nhỏ hơn, Lenovo ThinkPad T590 khá giống với ThinkPad T490 hơn là phiên bản mỏng hơn T490s. Chính vì vậy mình sẽ so sánh T590 với T490. Các đối thủ cạnh tranh khác của T590 gồm có HP EliteBook 850 G5, Dell Latitude 5590 và Fujisu LifeBook U758.
Phiên bản máy mình dùng trong bài viết này được trang bị bộ vi xử lý Core i7, 16GB RAM, 512 SSD, LTE, màn hình FHD và GPU Nvidia GeForce MX250.
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là thông số kỹ thuật của chiếc laptop Lenovo ThinkPad T590-20N4002VGE được sử trong bài đánh giá này:
CPU | Intel Core i7-8565U |
GPU | NVIDIA GeForce MX250 - 2048 MB |
RAM | 16384 MB |
Ổ cứng | Toshiba XG6 KXG60ZNV512G, 512 GB |
Màn hình | IPS, 15.6 inch, tỷ lệ 16: 9 Độ phân giải 1920 x 1080 pixel 141 PPI |
Cổng kết nối | 3 USB 3.0 / 3.1 Gen1, 1 USB 3.1 Gen2, 1 Thunderbolt, 1 HDMI, 2 DisplayPort, 1 Kensington Lock, 1 Docking Station Port, Audio Connections: Combo audio, Card Reader: microSD, 1 SmartCard, 1 Fingerprint Reader |
Kết nối không dây | Intel Wireless-AC 9560 (a/b/g/n = Wi-Fi 4/ac = Wi-Fi 5), Bluetooth 5.0, Fibocom L830-EB, LTE, GPS |
Hệ điều hành | Microsoft Windows 10 Pro 64 Bit |
Pin | 57 Wh |
Kích thước (Cao x Rộng x Dài) | 19.95 x 365.8 x 248 mm |
Trọng lượng | 1.9 kg |
Đánh giá laptop Lenovo ThinkPad T590-20N4002VGE
Thiết kế
Cùng với những người anh em T series khác, ThinkPad T590 đã có rất nhiều điểm mới về thiết kế. So với ThinkPad T580, thì phần khung máy đã được thay đổi hoàn toàn, mặc dù vẫn có những điểm liên tục và tiếp nối với thế hệ trước. Phần thân máy được sơn mày đen mờ hoàn toàn, với một vài điểm nhấn về màu sắc như: Trackpoint màu đỏ, bản lề màu bạc kim loại. Bạn sẽ vẫn có một chiếc laptop mở được tối đa 180 độ, độ ổn định cao không hề có sự rung lắc. Phần thiết kế mới cũng bao gồm hệ thống loa nằm trong thân máy giống như chiếc Thinkpad T490. Máy cũng ít những góc bo tròn hơn so với T580.
Theo Lenovo, phần thân máy phía trên được làm từ nhựa gia cố sợi thủy tinh. Cùng với đó, nửa dưới của thân máy cũng được làm từ nhựa nhưng được gia cố thêm khung Magie, có nghĩa là Lenovo đã mang toàn bộ những cấu trúc cơ sở trên chiếc ThinkPad T580 vào chiếc ThinkPad T590. Khi xem xét đến phần bên ngoài, chúng ta sẽ thấy ngay điểm khác nhau. ThinkPad T580 không được phủ một lớp cao su mềm bên ngoài, nó chỉ đơn giản là nhựa mà thôi. Sự cắt giảm này sẽ khiến cho bạn có đôi chút cảm giác rẻ tiền đối với một chiếc laptop doanh nhân tầm trung. Nhưng khi đến với ThinkPad T590, bạn sẽ có phần chiếu kê tay được phủ các kết cấu rất mềm mượt, giống như chiếc ThinkPad T490. Khi chạm vào sẽ có cảm giác mềm mượt và bám tay hơn là nhựa trần.
Về phần chất lượng hoàn thiện máy, mình không có gì để phàn nàn cả. Thân máy rất chắc chắn, dù rất cố gắng nhưng mình cũng chỉ có thể làm nó cong đi một chút mà thôi. Chiếu kê tay không thể ấn lõm xuống được. Nhìn chung thì khả năng hoàn thiện của máy là rất tuyệt vời. Phần yếu nhất của T590 nói riêng và tất cả các laptop nói chung có lẽ chính là màn hình, khi mà nó có độ cong vênh lớn hơn khá nhiều so với thân máy. Và nó cũng khá mỏng manh để bảo vệ tốt cho màn hình được. Sau tất cả, Lenovo ThinkPad T590 là một chiếc laptop cực kỳ mạnh mẽ, nó có thể đi cùng bạn ngày qua ngày mà không gì làm khó được nó cả.
Cổng kết nối
Mặc dù thân máy đã được thiết kế lại, nhưng hệ thống cổng kết nối không có sự thay đổi gì so với ThinkPad T580. Đầu đọc thẻ SD đã được loại bỏ và thay thế bằng đầu đọc MicroSD. Ngoài ra, số lượng và các loại cổng kết nối không hề có sự thay đổi. Có nghĩa là ThinkPad T590 vẫn chỉ có 1 cổng Thunderbolt 3, kết nối qua 2 luồng PCIe. Với 2 luồng PCIe, thì T590 chỉ có thể điều khiển một màn hình 4K 60 Hz qua cổng docking.
Số lượng cổng không thay đổi, nhưng bố cục thì có. Trước kia, đa số các cổng kết nối nằm phía bên phải thì nay đã được chuyển sang bên trái. Phía bên phải T590 dành một không gian khá lớn cho khe thoát gió của hệ thống tản nhiệt. Vì vậy nếu bạn sử dụng chuột ngoài, bạn có thể sẽ hơi khó chịu vì hơi nóng phả vào tay.
Các cạnh của máy:
Webcam
- Máy được trang bị webcam độ phân giải 720p, vị trí ở giữa cạnh trên của màn hình giống như những chiếc laptop khác
- Chất lượng hình ảnh khá tệ, hình mờ và rất nhiễu. Có lẽ nó chỉ có tác dụng để gọi video mà thôi.
Khả năng bảo trì, nâng cấp
Dựa theo thiết kế, ThinkPad T590 là một phiên bản lớn hơn của ThinkPad T490. Chính vì vậy mà 2 máy có cùng một kết cấu bảo trì và nâng cấp. Để tiếp cận được những thành phần bên trong, bạn phải trải qua khá nhiều bước. Đầu tiên là tháo khe sim ở phía sau máy. Sau đó là làm lỏng các con ốc bên dưới, tháo các lẫy nhựa. Xử lý những lẫy nhựa phần thân máy khá khó, bạn phải rất cẩn thận và không được dùng nhiều lực để tránh làm gẫy lẫy nhựa. Bạn nên tháo phần lẫy nhựa ở giữa 2 bản lề trước, sau đó là hai bên hông. Sau khi qua các bước trên thì nắp sau của máy có thể mở được. Lưu ý là khi lắp lại máy, các lấy nhựa phía trước phải được cài vào trước, sau đó mới tới các con ốc.
Thiết kế của ThinkPad T590 và T490 là giống nhau, chỉ khác về kích thước. Cả 2 máy đều dùng chung thiết kế bảng mạch. Vì vậy các khả năng nâng cấp cũng như hạn chế của T590 là tương đồng với T490: Thanh RAM được hàn vào bảng mạch, nhưng vẫn có thể nâng cấp được vì còn một khe RAM nữa. Wifi module cũng bị hàn luôn. Rất may là chúng ta vẫn thay thế được ổ SSD.
Viên pin bên trong máy chỉ bị gắn ốc vào chứ không phải hàn hay dán keo. Vì vậy bạn vẫn có thể vệ sinh hệ thống tản nhiệt cũng như thay keo tản nhiệt. Bàn phím cũng có thể thay thế dễ dàng.
Thiết bị đầu vào
Bàn phím
Bàn phím của ThinkPad T590 và T580 không hề có sự khác biệt. Bàn phím chiclet 6 hàng trải dài hết chiều rộng của máy. Vì có thêm hàng phím số, nên một số phím sẽ phải có kích thước nhỏ hơn một chút. Ví dụ như dãy phím bên phải phím Spacebar và dãy phím bên trái phím Return. Bạn có thể hiểu đơn giản là T490 có bàn phím kích thước đầy đủ nhưng không có phím số. Còn T590 có thêm bàn phím số nhưng bàn phím chính sẽ có kích thước nhỏ hơn. Mình nghĩ Lenovo nên giảm kích thước của bộ bàn phím số thì sẽ hợp lý hơn nhiều phải không?
Với bàn phím có kích thước nhỏ hơn, thì bạn sẽ mất một khoảng thời gian để làm quen. Tuy nhiên thì chất lượng bàn phím vẫn thực sự đáng nề. Hành trình phím dài 1.7 mm với điểm lực rất cân bằng và thoải mái, không hề quá cứng mà cũng không quá mềm. Tiếng gõ cũng không kêu to, mỗi phím được làm lõm xuống một chút cho cảm giác thoải mái khi đặt ngón tay vào. Mình dám cược với các bạn là những ai cần soạn thảo nhiều chắc chắn sẽ thích bàn phím của T590. Một yếu tố khác cũng rất quan trọng chính là thân máy rất vững và ổn định. Giúp cảm giác khi gõ được chắc chắn.
Touchpad
So với thế hệ trước T580, thì TouchPad của T590 không có sự thay đổi. Kích thước lớn 10 x 7 cm, bề mặt được làm bằng nhựa khá mượt giúp bạn di chuột thoải mái mà không có vấn đề gì. Chỉ có điều là cảm giác sẽ không thích như trên bàn di chuột bằng kính mà thôi. Bạn có thể nhấn nút chuột ở 2/3 dưới của TouchPad, cảm giác bấm rõ ràng và không gây ồn. Trải nghiệm sử dụng của mình khá ổn định, các thao tác và cử chỉ được phản hồi rất nhanh và chính xác.
Đi kèm với TouchPad, bạn vẫn sẽ có một hệ thống TrackPoint độc quyền. Cho phép bạn điều khiển chuột mà không cần phải rời tay khỏi bàn phím. Ba nút chuột bên trên TouchPad chính là nút chuột của TrackPoint. Ba phím này có hành trình khá ngắn và điểm lực rõ ràng.
Màn hình
Thông số chính
- Công nghệ IPS
- Kích thước: 15.6 inch
- Độ phân giải: 1920×1080 pixel
- Độ sáng tối đa: 280 cd/m², trung bình: 262.2 cd/m². Tỷ lệ phân bố độ sáng: 88%
- Tỷ lệ tương phản: 1200:1. Giá trị màu đen: 0.23 cd/m²
- ΔE màu: 5.6
- Phần trăm không gian màu: 58.1% sRGB và 36.9% AdobeRGB
Khả năng nhìn ngoài trời, góc nhìn
Với màn hình mờ, máy hoàn toàn có khả năng sử dụng ổn định ngoài trời. Vì độ sáng màn hình không quá cao, nên việc dùng dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp khá khó. Tốt nhất là bạn nên sử dụng máy trong bóng râm nếu có thể.
Nhờ màn hình sử dụng tấm nền IPS, khả năng hiển thị của máy qua các góc nhìn khá ổn định. Màu sắc vẫn không hề thay đổi ngay cả ở những góc nhìn rất hẹp. Độ sáng màn hình có thể bị ảnh hưởng đôi chút theo góc nhìn nhưng không hề có hiện tượng hở sáng.
Hiệu năng
Với T590, bạn có tới 4 lựa chọn về bộ vi xử lý: Core i5-8265U, Core i7-8565U, Core i5-8365U và Core i7-8665U. Hai lựa chọn cuối còn có phiên bản vPro giúp nâng cao khả năng bảo mật, rất thích hợp cho các doanh nghiệp. Về GPU, bạn có thể lựa chọn giữa GPU tích hợp Intel UHD 620 và GPU rời Nvidia GeForce MX250. GPU rời của Nvidia có thể đi kèm với bất kỳ bộ vi xử lý nào chứ không như chiếc T490. Ngoài ra, còn có các lựa chọn khác về phần cứng như RAM (8 hoặc 16GB được hàn vào bảng mạch chủ, có khả năng nâng cấp với một khe RAM trống), SSD (256, 512 GB hoặc 1TB).
Hiệu năng CPU
Bộ vi xử lý Intel Core i7-8565U sử dụng kiến trúc Whiskey Lake. Đây là bộ vi xử lý siêu tiết kiệm năng lượng ULV với mức tiêu thụ điện năng là 15W cho 4 nhân. Xung nhịp tối đa của bộ vi xử lý này là 4.6 GHz, xung nhịp cơ bản là 1.8 GHz.
Trong trường hợp chiếc ThinkPad T590, Lenovo đã nâng mức tiêu thụ điện năng lên tối đa 29W. Giúp cả 4 nhân cùng đạt xung nhịp 3.3 GHz, nhiệt độ CPU đạt tới điểm tối đa là 82ºC. CPU không thể giữ mức tiêu thụ điện năng 29W trong một thời gian dài, mà sẽ dao động trong khoảng 20 đến 25W. Khi đó xung nhịp CPU cũng dao động trong khoảng 2.5 đến 3.0 GHz.
Hiệu suất chung của hệ thống
Trong bảng xếp hạng của PCMark, ThinkPad T590 đạt vị trí top đầu trong bảng so sánh. Điều này cũng rất hiển nhiên vì máy có phần cứng rất mạnh mẽ mà chỉ sử dụng màn hình FHD. Trải nghiệm sử dụng hàng ngày của mình chỉ có thể miêu tả bằng một từ, đó là hoàn hảo.
Hiệu suất GPU
Nvidia GeForce MX250 là phiên bản mới của GeForce MX150. Có nghĩa là GPU này vẫn sử dụng công nghệ Nvidia Pascal lỗi thời. So sánh với thế hệ trước trên ThinkPad T580, thì hiệu năng của GPU mới mạnh hơn khoảng 7-26%.
Hiệu suất ổ cứng
Trên chiếc T590 này, Lenovo đã làm đơn giản hóa hệ thống lưu trữ đi rất nhiều. Đó chính là việc loại bỏ khoang ổ cứng 2.5 inch, loại bỏ cổng M.2 2242 SSD ở WWAN. Vì vậy máy đơn giản chỉ còn lại một cổng M.2 2280 SSD. Tuy nhiên nhờ vậy mà SSD trên T590 được kết nối qua 4 luồng PCIe 3.0 thay vì 2 luồng như trước, nên hiệu năng của SSD đạt được tối đa tiềm năng của mình.
Khả năng chơi game
Nvidia GeForce MX250 không phải là GPU dành cho gaming. Những game mới bạn vẫn có thể chơi với độ phân giải và chất lượng hình ảnh thấp. Nhưng ít ra là hiệu năng cũng được nâng cấp so với MX150.
Tiếng ồn, nhiệt độ
Tiếng ồn
Khi nhàn rỗi, quạt tản nhiệt của máy gần như không hoạt động, thỉnh thoảng có quay một chút mà thôi. Khi dưới tải, độ ồn của hệ thống tản nhiệt lớn nhất cũng chỉ là 35.8 dB(A), không hề gây phiền. Nhìn chung, T590 hoạt động rất êm ái và nhẹ nhàng.
Nếu để ý kỹ, thì bạn có thể thấy một số tiếng kim loại nhỏ trong máy khi hoạt động. Nhưng những âm thanh đó chỉ nghe thấy được khi bạn ở trong phòng cực kỳ yên tĩnh và ghé tai sát và bàn phím mà thôi.
Nhiệt độ
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ nhàn rỗi vào khoảng: 22.6 độ C
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ tải nặng tối đa vào khoảng: 40.1 độ C
Khi máy hoạt động tối đa công suất cũng gây một thách thức khá lớn cho hệ thống tản nhiệt. Dễ nhận thấy nhất chính là qua nhiệt độ bề mặt, khi có những vùng mà bề mặt máy nóng lên tới 56.3ºC. Nhưng mà khi đó thì quạt tản nhiệt vẫn hoạt động khá hiền để đảm bảo sự êm ái. Chính vì vậy việc sử dụng máy ở trên đùi là không khả thi nếu bạn cần sử dụng các tác vụ nặng.
Biểu đồ nhiệt độ của máy khi ở chế độ tải nặng:
Loa ngoài
Thay vì đặt loa máy ở cạnh dưới, thì Lenovo đã đặt bộ loa phía bên trên bàn phím ngay dưới chỗ bản lề. Đây là vị trí rất thuận lợi để đường ra của âm thanh được thoải mái. Chất lượng âm thanh rất bình thường, thiếu bass và âm lượng cũng không được to.
Tuổi thọ pin
Thay vì hệ thống 2 pin PowerBridge, Lenovo chỉ trang bị cho T590 một viên pin duy nhất 57Wh. Khi so sánh với các đối thủ, thời lượng sử dụng của T590 thực sự đáng ngạc nhiên, khi mà có phần nào đó trội hơn T580 và cũng đánh bại các đối thủ khác tới từ Dell hay HP với thời gian sử dụng Wifi là 10,5h. Thời gian sạc pin cũng rất nhanh, chỉ khoảng hơn 2h mà thôi.
Kết luận
Lenovo ThinkPad T590 là chiếc laptop 15.6 inch mỏng và nhẹ nhất trong dòng ThinkPad T của Lenovo. Hứa hẹn cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn mà vẫn có những chiếc máy mỏng nhẹ.
T490 và T590 thực sự rất giống nhau. Chúng có cùng bảng mạch và cấu trúc và vật liệu cũng giống nhau. Cả 2 đều cung cấp hệ thống cổng kết nối phong phú và khung máy chắc chắn. Tiếp sau đó là bàn phím, touchpad cho trải nghiệm rất đã. Màn hình lớn hơn của T590 vẫn là một vấn đề cần tranh cãi khi mà nó không thực sự tốt. Nhìn chung, nếu bỏ qua màn hình hoặc có một tấm nền tốt hơn, thì T590 là một chiếc laptop gần như hoàn hảo trong phân khúc laptop văn phòng 15.6 inch.