Dell đã nhồi nhét một trong những CPU Intel di động nhanh nhất trong một thiết kế mỏng nhẹ trên chiếc Dell Precision 7510. Vậy với thế hệ tiếp theo này, liệu người dùng có thể sở hữu được toàn bộ hiệu năng của bộ vi xử lý hay không? Hay vấn đề Throttling vẫn tồn tại?
Dòng Precision chưa thành 3 phân khúc, series 3000 giá rẻ, series 5000 tầm trung và series 7000 cao cấp nhất cho người dùng workstation chuyên nghiệp. Thế hệ mới nhất của series 7000 là Dell Precision 7530 được Dell giới thiệu là “máy trạm 15 inch mạnh mẽ nhất thế giới”. Hệ thống được trang bị cấu hình lên tới Core i9-8950 HK, Quadro P3200, màn hình 4K UHD, 3 bộ nhớ lưu trữ và viên pin dung lượng lớn 97 Wh. Cấu hình thấp hơn bắt đầu từ Core i5-8300H và GPU tích hợp có giá chỉ $1.200. Giống như đa số các máy trạm khác từ Dell, cấu hình của thiết bị thường có phạm vi rộng hơn XPS, để đáp ứng được tối đa nhu cầu của người sử dụng.
Thiết bị thử nghiệm của mình trong bài viết này sử dụng cấu hình mạnh mẽ nhất của Precision 7530 mà Dell đưa ra. Các đối thủ cạnh tranh để so sánh gồm có HP ZBook 15, Lenovo ThinkPad P52.
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là thông số kỹ thuật của chiếc laptop Dell Precision 7530 được sử trong bài đánh giá này:
CPU | Intel Core i9-8950HK |
GPU | NVIDIA Quadro P3200 - 6144 MB |
RAM | 32 GB |
Ổ cứng | Samsung PM961 NVMe MZVLW512HMJP, 512 GB |
Màn hình | IPS, 15.6 inch, tỷ lệ 16:9, 3840 x 2160 pixel 282 PPI |
Cổng kết nối | 4 USB 3.0 / 3.1 Gen1, 2 USB 3.1 Gen2, 2 Thunderbolt, 1 HDMI, 1 DisplayPort, cổng âm thanh, SD, cảm biến vân tay, NFC, cảm biến ánh sáng |
Kết nối không dây | Intel Wireless-AC 9260 (a/b/g/n = Wi-Fi 4/ac = Wi-Fi 5), Bluetooth 5.0 |
Hệ điều hành | Microsoft Windows 10 Pro 64 Bit |
Pin | 97 Wh |
Kích thước (Cao x Rộng x Dài) | 29.95 x 375.9 x 251.3 mm |
Trọng lượng | 2.6 kg |
Đánh giá laptop Dell Precision 7530
Thiết kế
Dell Precision 7530 đạt chuẩn chứng nhận MIL-STD 810G của quân đội với bộ khung bằng hợp kim magiê, nhưng có kích thước nhỏ hơn so với 7510. Kết quả, chúng ta có một hệ thống nhỏ gọn hơn, thể hiện một bước nhảy vượt trội về mặt thiết kế. Thiết bị có độ chắc chắn tuyệt vời từ mặt trên đến khung dưới, đặc biệt là các cạnh và các góc được gia cố cực kỳ cẩn thận.Việc tác động lực xoắn vặn lên phần bàn phím không gây ra tiếng kêu bất thường cũng như không có hiện tượng cong vênh, hoàn toàn như mình kỳ vọng ở một thiết bị cao cấp. Người dùng Precision sẽ còn được trải nghiệm cảm giác cao cấp khi chạm vào sợi carbon cũng như bề mặt phủ cao su. Độ cứng của thiết bị được đánh giá cao hơn ThinkPad P và chỉ thua một chút so với HP ZBook 15 mà thôi.
Khu vực bàn phím có một điểm yếu mà mình nhận thấy. Cụ thể, vùng giữa phím Space và phím Alt phải dễ bị võng xuống hơn phần còn lại của bàn phím. Dù là phần nhỏ không được hoàn hảo, nhưng vẫn đáng nhắc đến vì bạn đang sở hữu trên tay một thiết bị rất cao cấp.
Những khu vực khác của thiết bị cũng cần được cải thiện là phần màn hình, khung màn hình của máy không thật sự chống được bị vênh như phần khung máy. Nó vẫn chắc chắn hơn màn hình của ThinkPad P52 và đa số các mẫu Ultrabook khác, nhưng không tốt hơn màn hình của Precision 7510. Về mặt tích cực, bản lề hoàn toàn chắc chắn từ khi gập đến góc mở tối đa, không hề có hiện tượng rung lắc khi gõ phím hoặc di chuyển.
Chất lượng hoàn thiện, cấu trúc của máy là hoàn toàn tuyệt vời, tiệm cận sự hoàn hảo. Bạn sẽ không thể thấy được một khe hở nào giữa các mối ghép.
Về kích thước, thiết bị của Dell có kích thước gần như tương tự với ThinkPad P52. Người sử dụng sẽ có trải nghiệm khá tốt về tính di động. Nếu người dùng cần tìm một máy trạm mỏng hơn, di chuyển dễ dàng hơn thì có thể tham khảo ThinkPad P1 và Dell Precision 5530.
Cổng kết nối
Cổng kết nối của máy là một hệ thống hỗn hợp. Nếu như những thiết bị máy trạm mỏng nhẹ như Precision 5530 hoặc Dell Precision 5530 2-in-1 có rất ít cổng kết nối, thì những mẫu máy dày hơn, nặng hơn như 7530 phải có nhiều tùy chọn hơn. 7530 có 2 cổng USB A, được đặt phía bên cạnh phải. Cạnh trái là nơi đặt 2 cổng kết nối Thunderbolt 3, cho thấy Dell đang tích cực sử dụng kết nối Thunderbolt e thay vì cổng E-Port.
Các cạnh của máy:
Khả năng bảo trì, nâng cấp
Để bảo trì, sửa chữa thiết bị bạn chỉ cần duy nhất một chiếc tua vít Philips. Bạn sẽ tiếp cận trực tiếp vào hệ thống quạt tản nhiệt, bộ nhớ lưu trữ, RAM, Pin, WWWAN, WLAN, SIM. Thiết bị thử nghiệm của mình không tương thích với card WWAN và không có anten được cài đặt sẵn. Phần bảng mạch giữa các hệ thống quạt được bảo vệ bởi một tấm chắn để tăng độ cứng cáp.
Thiết bị đầu vào
Bàn phím
Bộ bàn phím có đèn nền về mặt cơ bản là giống hoàn toàn với bàn phím trên chiếc Precision 7510. Và đây cũng là một trong những bộ bàn phím di động tốt nhất. Hành trình phím sâu hơn trên XPS 15, tiếng kêu chắc chắn và yên tĩnh hơn. Các phím số phía bên phải không bị giảm kích thước như một số thiết bị khác.
Touchpad
Touchpad có kích thước 10 x 5.5 cm, kích thước này khá nhỏ so với bề mặt phần chiếu kê tay, nhất là khi so sánh với những Ultrabook khác. Phím chuột riêng có tiếng kêu khá êm khi nhấn, hành trình phím trung bình và phản hồi tốt. Hàng phím chuột phía bên dưới có cảm giác nhẹ hơn hàng trên một chút.
Bề mặt nhám giúp di chuyển, điều khiển chuột một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn di chuột rất chậm sẽ có cảm giác bị dính ngón tay. Dù vậy thì điều này gần như không ảnh hưởng tới quá trình sử dụng hàng ngày.
Màn hình
Thông số chính
- Công nghệ IPS
- Kích thước: 15.6 inch
- Độ phân giải: 3840 x 2160 pixel
- Độ sáng tối đa: 316.4 cd/m², trung bình: 294.7 cd/m². Tỷ lệ phân bố độ sáng: 85%
- Tỷ lệ tương phản: 813:1. Giá trị màu đen: 0.36 cd/m²
- ΔE màu: 3.48
- Phần trăm không gian màu: 99.6% sRGB và 84.4% AdobeRGB
Khả năng nhìn ngoài trời, góc nhìn
Khả năng hiển thị ngoài trời của máy ở mức trung bình trong bóng râm, gần như không thấy gì dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp. Độ sáng của màn hình thấp, không đủ mạnh để vượt qua các nguồn sáng xung quanh cũng như hiện tượng đổ bóng dù màn hình đã được phủ một lớp mờ chống chói. Góc nhìn là rất rộng, chỉ có sự giảm độ tương phản nhẹ ở những góc rất hẹp.
Hiệu năng
Core i9-8950HK là điểm nổi bật của hệ thống cùng GPU Quadro P3200. GPU có sức mạnh nằm giữa khoảng GTX 1060 và GTX 1070 về số lượng của ROPs, TMUs và bóng bán dẫn. Lenovo ThinkPad P72 cũng sử dụng GPU này nhưng lại thiếu CPU Core i9. Việc không có tùy chọn Quadro P4000 hoặc P5000 là điểm hơi chút hụt hẫng cho Precision 7530. Qua bài test cho thấy, hệ thống tản nhiệt là một phần nguyên nhân hạn chế của tùy chọn GPU.
Nvidia Optimus được cài đặt sẵn, giúp chuyển đổi linh hoạt giữa GPU tích hợp Intel UHD Graphics 630. Tùy chọn Xeon CPU sẽ hỗ trợ ECC RAM.
Hiệu năng CPU
Core i9-8950HK trên Precision chỉ nhanh hơn 3% so với i7-8750H và nó đắt hơn lên tới $300. Lợi ích về mặt hiệu năng là tốt nhất ở mức tối thiểu do nhiệt độ CPU khá cao của i9-8950HK khi chạy bài kiểm tra. Điều đó không có nghĩa là i9-8950HK là chậm, vì đây là một trong những bộ vi xử lý di động nhanh nhất hiện nay, nhanh hơn khoảng 50% so với i5-8300H. Nhưng tỷ lệ hiệu năng/ giá thành thu được là không cao cùng ít có sự cải thiện hiệu năng so với thế hệ trước. Nếu như so sánh Xeon E-2176M với thế hệ cũ gần nhất là Xeon E-1535M, bạn sẽ thấy hiệu năng cải thiện rất đáng kể lên tới 40%.
Mình có chạy bài test CineBench R15 đa nhân vòng lặp để đánh giá sự duy trì ổn định của Turbo boost. Kết quả điểm số vòng đầu tiên là 1192 điểm, giảm xuống 1124 điểm qua thời gian, hiệu năng sụt giảm khoảng 6%. Hiệu năng trung bình của i9-9850HK trên số liệu thống kê của mình vào khoảng 1227 điểm, từ đó cho thấy bộ vi xử lý i9-9850HK trên chiếc Dell Precision 7530 không thể hiện được hết tiềm năng.
Hiệu suất chung của hệ thống
PCMark cho thấy Precision 7530 là một trong những chiếc notebook nhanh nhất hiện nay. Điểm số PCMark 10 của máy cao hơn 25% so với mức trung bình của các máy trạm, gần với Eurocom Tornado F5W. Dù vậy thì sự khác biệt về điểm số cũng không mang lại quá nhiều thay đổi về trải nghiệm, ngay cả khi so sánh với thiết bị yếu hơn là Precision 5530 2-in-1. Khả năng điều hướng mượt mà, xử lý nhanh chóng là điểm mà SSD mang lại. Trải nghiệm của mình không hề có lỗi xảy ra từ phần mềm cũng như phần cứng.
Hiệu suất ổ cứng
Hệ thống máy có tới 3 RAID tương thích với M.2 2280 NVMe. Người sử dụng có thể lựa chọn thay thế cổng M.2 thứ 3 bằng khay 2.5 inch SATA III, nhưng tùy chọn này chỉ có ở trên phiên bản pin 64Wh. Thiết bị thử nghiệm của mình được trang bị duy nhất một SSD 512 GB Samsung PM961 NVMe.
Tốc độ truyền tải dữ liệu tuần tự của SSD Samsung là rất tốt ở mức đọc/ghi = 1807 / 1540 MB/s. Khi đọc tuần tự block 128KiB thì tốc độ còn lên tới 3000 MB/s. Đây là một SSD tốc độ cao, nhưng về tổng thể vẫn chưa thể bằng Samsung SSD 960 Pro.
Hiệu suất GPU
Quadro P3200 là có hiệu năng tương tự với GTX 1060 dựa theo điểm số của 3DMark. Người dùng có thể hi vong hiệu năng vượt trội so với Quadro P2000 và thế hệ M2000M lên tới 70% và 170%. Nếu bạn cần hiệu năng mạnh mẽ hơn, chiếc Precision 7720 với Quadro P5000 sẽ cho sức mạnh tăng thêm 30%.
Nvidia Quadro GPUs còn vượt trên cả việc có khả năng chơi tốt những tựa game mới nhất hiện nay, dù gaming không phải mục đích ban đầu của nhà sản xuất. P3200 có sức mạnh xử lý 1080p của GTX 1060, và khả năng xử lý 4K thậm chí còn tốt hơn vì số lượng bóng nhiều hơn. Dù đây không phải là giải pháp chơi game 4K hiệu quả nhất, nhưng thiết bị chắc chắn có thể đạt được mức FPS 30 hoặc hơn khi giảm chất lượng hình ảnh xuống. Tốc độ khung hình luôn được giữ ổn định, không có hiện tượng tụt FPS.
Có điểm hơi phiền một chút, là game thường bị khóa ở 60 FPS ngay cả khi mở chế độ High Performance và tắt V-Sync. Bạn có thể xử lý vấn đề này bằng cách chuột phải vào file exe và tick vào ô “Disable fullscreen optimizations”.
Khả năng chơi game
Tiếng ồn, nhiệt độ
Tiếng ồn
Hệ thống tản nhiệt của máy gồm có 2 quạt và 3 ống đồng dẫn nhiệt ở giữa. Cả 2 quạt đều không hoạt động khi tải nhẹ như email hoặc xem video từ đó mang lại trải nghiệm yên tĩnh. Sau vài phút, độ ồn của quạt tăng lên 30.3 dB(A) nhưng vẫn đủ yên tĩnh để không gây mất tập trung. Mình thực sự thích sự tích cực của Dell khi xử lý tốt quạt tản nhiệt khi tải nhẹ, không hề có sự tăng tốc bất chợt ngay cả khi có một hệ thống cực kỳ mạnh mẽ bên trong.
Độ ồn của quạt tản nhiệt tăng khá nhanh khi chơi game hoặc tải nặng. Dưới điều kiện này, 7530 không khác nhiều so với 7510. Độ ồn của quạt tản nhiệt vào khoảng 50 dB(A) khi tải nặng, lớn hơn khá nhiều đối thủ gần nhất nhưng mạnh mẽ hơn là Eurocom Tornado F5W.
Nhiệt độ
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ nhàn rỗi vào khoảng: 38.8 °C
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ tải nặng tối đa vào khoảng: 49 °C
Nhiệt độ bề mặt của máy nóng hơn nhiều so với mình tưởng tượng, đạt gần 40 °C khi nhàn rỗi vì quạt tản nhiệt khi đó không hoạt động. Rất may, điểm nhiệt ở phía trên hàng phím đầu tiên và cách xa phần chiếu kê tay. Vì vậy bề mặt có nhiệt độ cao không ảnh hưởng tới quá trình sử dụng. Phần cạnh bàn phím của những thiết bị di động luôn ấm hơn một chút so với phần đế bên dưới vì bộ xử lý ở gần mặt trên hơn. Khi tải nặng hoặc chơi game, điểm nhiệt của thiết bị có thể lên tới 55 °C.
Biểu đồ nhiệt độ của máy khi ở chế độ tải nặng:
Loa ngoài
Chất lượng âm thanh của loa ngoài trên mức trung bình. Các phép đo âm thanh cho thấy sự tái tạo tương đối đồng đều giữa âm trung và âm cao cùng âm trầm rất ổn. Chất lượng âm thanh của máy tốt hơn nhiều so với kỳ vọng ở một máy trạm di động.
Khung máy thường sẽ rung lên một chút khi âm lượng tối đa được đặt trên 50%. Sẽ không có những tiếng động lạ gây phiền nhưng ngón tay của bạn sẽ cảm nhận rõ độ rung trên bề mặt máy.
Tuổi thọ pin
Thời lượng sử dụng pin của máy tương đối thấp dù viên pin đi kèm có dung lượng lớn lên tới 97 Wh. Thời gian sử dụng Wifi thực tế chỉ đạt khoảng 4.5 giờ, còn trên chiếc máy Precision 5530 là trên 8 giờ. Theo quảng cáo của Dell, ít nhất thời lượng pin của thiết bị cũng được cải thiện hơn so với thế hệ trước là Precision 7510.
Thời gian sạc máy từ gần cạn đến khi đầy vào khoảng ít hơn 2 giờ.
Giá và địa chỉ bán
Kết luận
Dell Precision 7530 là phiên bản nâng cấp đáng giá từ chiếc 7510. Thiết bị có kích thước nhỏ hơn nhưng không phải hi sinh sự chắc chắn, cũng như mang trong mình CPU nhanh hơn, GPU mạnh mẽ hơn.
Vẫn tồn tại một số điểm trừ liên quan tới bộ vi xử lý và hệ thống cổng kết nối. Đầu tiên, bộ vi xử lý Core i9 tỏa ra quá nhiều nhiệt khiến hiệu năng nhận được qua Turbo Boost không thực sự vượt trội. Các kết quả cho thấy, hiệu năng của nó chỉ hơn một chút rất nhỏ so với Core i7-8750H ít đắt đỏ hơn. Vì vậy mình khuyên bạn nên lựa chọn i7-8750H hoặc thấp hơn để tối ưu tài chính. Vấn đề tiếp theo chính là sự giảm hiệu năng khi sử dụng pin, cũng như không có tùy chọn Quadro P4000 hoặc cao hơn.
Về hệ thống kết nối, mình nghĩ Dell có thể làm tốt hơn nhiều việc chỉ trang bị 2 cổng USB A. Khi bỏ qua những điểm trừ đó, thì 7530 vẫn là một bước tiến lớn cả về mặt thẩm mĩ cũng như hiệu năng so với thế hệ trước.