Bạn đang thắc mắc không biết:
- Bokeh là gì? Nó có nguồn gốc từ đâu?
- Tại sao nó lại phổ biến và được ưa chuộng như vậy?
- Tác dụng của nó với bức ảnh ra sao? Nên sử dụng bokeh trong những trường hợp nào?
- Cách chụp ảnh Bokeh đẹp?
Trong bài viết này mình sẽ cùng bạn tìm hiểu và giải quyết các thắc mắc trên!
Bokeh là gì?
Nói một cách đơn giản Bokeh (gọi là “boke”) là chất lượng hình ảnh của các phần nằm ngoài vùng lấy nét hay toàn bộ vùng mờ của bức ảnh. Nó được tạo ra bởi ống kính máy ảnh. Bokeh không phải là độ nhòe mà bạn vẫn nhìn thấy, nó cũng không phải lượng mờ ở phía trước hoặc nền phía sau của chủ thể. Nhòe mà bạn thường thấy trong nhiếp ảnh là kết quả của độ sâu trường ảnh nông và thường được gọi là làm mờ nền. Tuy nhiên, chất lượng cùng sự “cảm nhận” và hình thù của phần nằm ngoài vùng lấy nét là những gì mà các nhiếp ảnh gia gọi là: Bokeh!
Bạn thấy đoạn định nghĩa trên thế nào? Khó hiểu phải không? Không sao, hãy nhìn hình bên dưới:
Chai coca cola trong hình trên trông sắc nét và tập trung vì nó nằm trong độ sâu trường ảnh, trong khi đó nền ảnh phía sau nó không sắc nét và mờ (có nghĩa là nó nằm ngoài độ sâu trường ảnh). Độ sâu trường ảnh nông (hoặc nhỏ) là kết quả do việc sử dụng khẩu độ lớn và đứng chụp ở một khoảng cách tương đối gần đối tượng. Bây giờ bạn hãy để ý đến những vòng tròn màu sắc ở phía bên trái hình ảnh. Những vòng tròn này có được là do phản xạ ánh sáng, chúng có hình tròn là do hình dạng các lá khẩu trong ống kính. Trong bức ảnh này, cảm giác “mềm mại” của những hình tròn này được gọi là: bokeh hay cụ thể hơn là một “bokeh tốt”.
Nhiều nhiếp ảnh gia quan niệm rằng bokeh chỉ là chất lượng của những “vòng tròn’, trong khi một số khác cho rằng bokeh là chất lượng của toàn bộ vùng nằm ngoài khoảng lấy nét.
Thế nào là một “bokeh đẹp” và một “bokeh xấu”?
Bạn cần biết rằng bokeh được tạo ra bởi ống kính chứ không phải bởi máy ảnh. Các ống kính khác nhau tạo ra hiệu ứng Bokeh khác nhau do thiết kế quang học của chúng khác nhau. Nói chung, ống kính chụp ảnh chân dung, ống kính tele có khẩu độ tối đa lớn tạo ra hiệu ứng bokeh đẹp hơn so với ống kính zoom rẻ tiền. Ví dụ, ống kính Nikon 85mm f / 1.4D tạo ra hiệu ứng bokeh rất đẹp, trong khi ống kính Nikon 18-135mm f / 3.5-5.6G DX tạo ra hiệu ứng bokeh kém khi ở cùng độ dài tiêu cự và khẩu độ. Lý do dẫn đến sự khác biệt này nằm ở thiết kế quang học của 2 ống kính khác nhau.
Bạn nên nhớ rằng: Bất kỳ ống kính nào cũng có khả năng làm mờ nền, tuy nhiên không phải ống kính nào cũng tạo ra hiệu ứng bokeh đẹp!
Vậy một bokeh đẹp là gì? Hãy nhìn vào hình bên dưới:
Bạn hãy chú ý đến nền mờ phía sau kính lúp. Những khu vực không trong vùng lấy nét trông mềm mại, dễ chịu, các vòng tròn không cứng và không sắc cạnh, sự chuyển tiếp giữa các vùng mờ nhìn rất dễ chịu. Đó chính là một “bokeh đẹp”
Vậy như nào là một “bokeh xấu”? Với mình, tất cả những gì khiến mình cảm thấy “bối rối”, không cảm nhận được sự mềm mại, không làm nổi bật chủ thể, các vòng tròn sắc cạnh đều là một “bokeh xấu”
Tại sao bokeh lại được ưa chuộng đến vậy? Nên dùng nó khi nào?
Hiệu ứng này được ưa chuộng và sử dụng nhiều là nhờ nó có khả năng làm nổi bật chủ thể, làm cho hình ảnh trở nên hấp dẫn và dễ nhìn hơn rất nhiều. Điều quan trọng là nó khiến người xem bắt buộc phải chú ý vào một khu vực cụ thể trên bức ảnh.
Việc sử dụng hiệu ứng Bokeh khi nào tùy thuộc vào sự sáng tạo của bạn. Bất cứ khi nào bạn cần làm nổi bật một chủ thể nào đó, muốn người xem chú ý vào một khu vực nào đó trong bức ảnh hãy tận dụng lợi thế của hiệu ứng bokeh.
Cách chụp ảnh Bokeh đẹp
1. Sử dụng khẩu độ lớn
Bên trên mình đã nói, bokeh không được tạo ra bởi máy ảnh, nó được tạo ra bởi ống kính. Vì vậy khi muốn chụp ảnh bokeh, việc đầu tiên bạn cần làm là đặt khẩu độ của bạn thành giá trị “thấp nhất” hay còn gọi là khẩu độ tối đa. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách đặt chế độ máy ảnh thành “Ưu tiên khẩu độ”, đặt “f” thành số nhỏ nhất mà ống kính của bạn cho phép.
Việc đặt khẩu độ ống kính thành số nhỏ nhất sẽ giúp giảm độ sâu trường ảnh, từ đó làm cho khu vực sắc nét so với nền giảm xuống.
2. Giảm khoảng cách giữa chủ thể và máy ảnh
Bạn càng đứng gần đối tượng khi chụp, nền sẽ càng mờ. Nó giống như việc bạn đưa ngón tay từ xa lại gần mắt vậy, càng đưa lại gần thì mắt bạn lại càng tập trung vào ngón tay và nền xung quang càng mờ đi. Ống kính máy ảnh cũng hoạt động tương tự như vậy. Khi đưa gần máy vào chủ thể hơn, ống kính sẽ tập trung vào chủ thể và độ sâu trường ảnh sẽ nhỏ nhất.
3. Tăng khoảng cách giữa chủ thể và nền
Nếu đối tượng cần chụp rất gần so với nền, hiệu ứng bokeh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Hãy nhớ rằng độ sâu trường ảnh không phải là một ranh giới rõ ràng, nó biến đổi từ sắc nét đến mờ dần. Chính vì vậy, để có một hiệu ứng bokeh đẹp hãy để đối tượng cách xa nền.
Trong bức ảnh bên trên những lá cây gần nhất trông rất sắc nét, những lá cây ở phía sau bên trái trông hơi mờ còn những lá cây phía xa trông hoàn toàn mờ nhạt.
Ví dụ: Bạn chụp một cô gái đứng cạnh một cành cây có lá, những chiếc lá có thể không nằm ngoài hoàn toàn vùng lấy nét, chúng có thể xuất hiện hơi mờ trong bức ảnh. Để khắc phục tình trạng này hãy cho cô gái lại gần bạn và cách xa cành cây. Lúc này những lá cây trông sẽ “mờ nhạt hơn”!
4. Sử dụng tiêu cự dài
Trường hợp khoảng cách giữa máy ảnh và chủ thể giữ nguyên, bạn có thể tăng tiêu cự ống kính lên. Việc tăng tiêu cự ống kính sẽ giúp giảm độ sâu trường ảnh. Vì vậy nếu bạn có ống kính zoom hãy sử dụng tiêu cự dài nhất có thể để tách chủ thể ra khỏi nền.
Ví dụ bạn có ống kính zoom 70-300 mm, khi chụp ở tiêu cự 300 mm sẽ tách thủ thể nhiều nhất khỏi nền. Trong khi chụp ở tiêu cự 70 mm, bạn sẽ thấy có nhiều vật thể sắc nét hơn trong nền ảnh.
5. Sử dụng ống kính nhanh
Nếu bạn muốn chụp ảnh bokeh đẹp, hãy sử dụng ống kính nhanh nhất bạn có (nhanh ở đây tức là khẩu độ tối đa lớn). Vì khẩu độ ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh. Nếu bạn dùng Nikon có thể chọn những ống kính như: Nikon 50mm f / 1.4 , Nikon 85mm f / 1.4 và Nikon 70-200mm f / 2.8 chúng là những ống kính có khẩu độ tối đa lớn và được tối ưu quang học cho chụp chân dung. Những ống kính giá rẻ như Nikon 50mm f / 1.8 và Nikon 85mm f / 1.8 cũng tạo ra hiệu ứng bokeh tuyệt vời.
Trên đây mình đã cùng bạn giải quyết các thắc mắc mà chúng ta nêu ra ở đầu bài. Mong rằng những chia sẻ này có ích với bạn. Chúc bạn chụp được những bức ảnh với hiệu ứng bokeh tuyệt vời!