Đánh giá Lenovo V330-14IKB (i5, FullHD): Laptop doanh nhân giá rẻ

Một phiên bản khác của ThinkPad? Như các bạn đã biết, dòng Laptop doanh nhân cao cấp của Lenovo chính là những chiếc máy có Logo ThinkPad huyền thoại. Nhưng không phải ai cũng có đủ tiềm lực tài chính để sở hữu chiếc ThinkPad đắt đỏ. Chính vì vậy, Lenovo đã cho ra mắt dòng V series, hướng tới đối tượng doanh nhân mà không muốn mua ThinkPad vì nhiều lý do. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu xem liệu chiếc Lenovo V330-14IKB có thực sự đáng giá?

Trước kia, mình hay lầm tưởng dòng laptop doanh nhân của Lenovo chỉ có ThinkPad. Trên thực tế, Lenovo đã làm nhiều dòng sản phẩm khác cho doanh nhân từ lâu, điển hình là dòng Lenovo 3000 hay Lenovo V series. Đây không phải là một phần của dòng ThinkPad hay dòng IdeaPad. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu tới các bạn chiếc V330-14IKB, là một trong những mẫu mới nhất của dòng Lenovo V.

Lenovo V330-14IKB

Dựa vào số hiệu của máy, chúng ta cũng có thể biết được một số thông tin cơ bản. Ví dụ như số 3 thứ 2 trong V330 ám chỉ đây là thế hệ thứ 3 của dòng V300, cũng như số 14 trong cụm 14IKB thể hiện máy có màn hình 14 inch. Trên thị trường, V330 có khá nhiều đối thủ nặng ký như: HP 14, HP ProBook 440 G5, Dell Latitude 3490, Lenovo ThinkPad E480.

Đơn vị thử nghiệm lần này có cấu hình: Intel Core i5, 8 GB RAM, 256 GB SSD và màn hình FHD.

Thông số kỹ thuật

Dưới đây là thông số kỹ thuật của chiếc laptop Lenovo V330-14IKB-81B0004MGE được sử trong bài đánh giá này:

CPUIntel Core i5-8250U
GPUIntel UHD Graphics 620
RAM8 GB
Ổ cứngSK hynix PC401 HFS256GD9TNG, 256 GB
Màn hìnhTN, 14 inch, tỷ lệ 16:9
1920 x 1080 pixel 157 PPI,
Cổng kết nối1 USB 2.0, 4 USB 3.0 / 3.1 Gen1, 1 VGA, 1 HDMI, 1 DisplayPort, cổng âm thanh, đầu đọc thẻ nhớ
Kết nối không dây Intel Dual Band Wireless-AC 3165 (a/b/g/n = Wi-Fi 4/ac = Wi-Fi 5), Bluetooth 4.1
Hệ điều hànhMicrosoft Windows 10 Pro 64 Bit
Pin30 Wh
Kích thước
(Cao x Rộng x Dài)
20.3 x 343 x 247 mm
Trọng lượng1.653 kg

Đánh giá laptop Lenovo V330-14IKB

Thiết kế

Trong khi Lenovo ThinkPad luôn được làm bằng màu đen gần như tuyệt đối, thì chúng ta có chiếc Lenovo V330-14IKB với tông màu xám “Dark gray”. Thiết kế của máy vẫn đảm bảo được tính đơn giản và tinh tế, mặc dù không giàu truyền thống như dòng ThinkPad. Phần chiếu kê tay, viền màn hình có cảm giác được làm bằng kim loại, mình hiện cũng chưa biết rõ vật liệu mà Lenovo sử dụng. Vì trong thông số của Lenovo, chất liệu đơn giản chỉ là nhựa.

Dĩ nhiên, chất lượng hoàn thiện của Lenovo V330 không thể tốt được như dòng ThinkPad đắt tiền. Phần nắp màn hình không thực sự hoàn hảo. Bạn có thể sờ thấy khe hở, hay khoảng cách giữa mảnh ghép của máy. Bản lề cũng hơi lỏng lẻo làm màn hình thường bị rơi ra sau một chút. Việc tác động lực lên phía sau màn hình nhanh chóng ảnh hưởng tới hình ảnh trên màn hình. Nắp màn hình cũng dễ bị cong vênh. Điểm cộng là phần chiếu kê tay vẫn khá chắc chắn.

Lenovo V330-14IKB

Bạn không thể mở máy bằng một tay, vì phần bản lề ở những góc hẹp khá cứng. Màn hình có thể mở ở góc tối đa là 180º, mang lại sự linh hoạt hơn cho người sử dụng.

Trọng lượng của máy vào khoảng 1.7 kg – không hẳn là quá gọn nhẹ. Trọng lượng máy ở mức trung bình so với các đối thủ khác.

Cổng kết nối

Hệ thống khung máy của Lenovo V330-14IKB cung cấp đủ không gian dành cho các cổng kết nối. Máy có cổng VGA, RJ45-Ethernet, HDMI, đầu đọc thẻ SD… thậm chí là còn nhiều cổng kết nối hơn những chiếc máy đắt tiền khác. Đặc biệt là cổng VGA đã trở nên rất hiếm hiện nay. Mình khá vui khi thấy Lenovo vẫn trang bị cho V330 hai cổng USB C ở 2 bên cạnh máy. Dù không hỗ trợ Thunderbolt 3, nhưng tùy chọn USB C thường sẽ không gặp trên những chiếc máy cùng phân khúc. Cổng USB C phía bên cạnh trái có thể dùng để truyền dữ liệu, xuất hình ảnh như Display Port, sạc pin cho thiết bị. USB bên cạnh phải chỉ có thể dùng để truyền dữ liệu.

Lenovo V330-14IKB có một tính năng đặc biệt không hề có trên những chiếc máy khác. Chính là UltraBay. Bên trong khoang UltraBay có các cổng USB A, nên bạn có thể ẩn các thiết bị USB bên trong UltraBay.

review Lenovo V330-14IKB

Cổng UltraBay

Các cạnh của máy:

đánh giá Lenovo V330-14IKB

Cạnh trái: Cổng sạc, VGA, RJ45-Ethernet, HDMI, USB A, USB C

đánh giá Lenovo V330-14IKB

Cạnh phải: SD, Âm thanh, USB C, USB A

Webcam

Webcam của thiết bị khá rẻ tiền, hình ảnh nhòe và nhiễu. Chất lượng webcam chỉ đủ để dùng gọi video call.

Khả năng bảo trì, nâng cấp

Để tiếp cận được hệ thống bên trong máy, bạn phải tháo 10 con ốc ở phần nắp sau. Tiếp theo là làm lỏng các lẫy nhựa móc phần nắp sau vào thân máy. Bước này bạn nên làm cẩn thận, tốt nhất là có dụng cụ chuyên dụng. Sau khi tháo được nắp sau, chúng ta có thể vệ sinh quạt, tra keo tản nhiệt. SSD, RAM và pin có thể nâng cấp, thay thế.

review Lenovo V330-14IKB

Thiết bị đầu vào

Bàn phím

Lenovo sử dụng hệ thống bàn phím 6 hàng chiclet. Hình dáng các phím được làm tròn ở cạnh dưới, điển hình trong thiết kế của Lenovo. Bàn phím không quá chất lượng như của ThinkPad, nhưng cũng cung cấp đủ hành trình phím, khung bàn phím đủ chắn chắn để không có hiện tượng võng xuống khi soạn thảo. Điểm lực của từng phím cũng không được rõ ràng như trên ThinkPad. Bạn hoàn toàn có thể soạn thảo văn bản trong một thời gian dài với thiết bị này. Bàn phím của Lenovo V330-14IKB không được trang bị đèn nền.

đánh giá laptop Lenovo V330-14IKB

Touchpad

Bề mặt touchpad được làm bằng nhựa, có kích thước 10,5 x 7 cm. TouchPad có chất lượng khá tốt, cho phép điều khiển chuột chính xác. Bạn có thể sử dụng cử chỉ đa điểm, tốc độ nhận diện và phản hồi tốt. Dù không thực sự cao cấp vì máy không sử dụng Microsoft Precision. Dòng máy doanh nhân giá rẻ V300 không được trang bị TrackPoint.

Màn hình

Thông số chính

  • Công nghệ TN
  • Kích thước: 14 inch
  • Độ phân giải: 1920×1080 pixel
  • Độ sáng tối đa: 242 cd/m², trung bình: 216.1 cd/m². Tỷ lệ phân bố độ sáng: 79%
  • Tỷ lệ tương phản: 433:1. Giá trị màu đen: 0.52 cd/m²
  • ΔE màu: 10.58
  • Phần trăm không gian màu: 68% sRGB và 43% AdobeRGB

Khả năng nhìn ngoài trời, góc nhìn

Mặc dù được trang bị hệ thống màn hình mờ chống chói, nhưng chất lượng hiển thị rất kém khi dùng ngoài trời. Trong bóng râm, hình ảnh rất tối. Còn dưới ánh sáng mặt trời thì không thể sử dụng được.

Lenovo V330-14IKB

Độ ổn định ở các góc nhìn là khá tệ, đây là đặc điểm của tấm nền TN. Chỉ cần sai góc nhìn trực diện một chút là hình ảnh đã có thể bị lóa hoặc thay đổi màu sắc. Đặc biệt là các góc nhìn từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Ngay cả đối với các tác vụ văn phòng cơ bản, thì độ ổn định góc nhìn thấp cũng gây sự khó chịu nhất định.

Lenovo V330-14IKB

Góc nhìn hạn chế do tấm nền TN

Hiệu năng

Hiệu năng CPU

Intel Core i5-8250U là bộ vi xử lý 4 nhân thế hệ Kaby Lake Refresh hay còn gọi là Core i thế hệ thứ 8. Bộ vi xử lý chạy ở mức xung nhịp cơ bản từ 1.6 đến 3.4 GHz, điện năng tiêu thụ đối đa là 15W theo thông số của Intel.

Dĩ nhiên, CPU sẽ không thể phát huy được hết tiềm năng của mình nếu chỉ tiêu thụ năng lượng ở mức 15W. Đối với i5-8250U, điện năng tiêu thụ cần hơn 30W và Lenovo đã nâng mức TDP lên 25W. Tuy nhiên, điều này chỉ duy trì được trong vòng khoảng 30 giây đầu của bài kiểm tra R15 đa nhân. Sau đó, CPU hạ mức TDP xuống còn 15W theo tiêu chuẩn. Vì thế, trên biểu đồ hiệu năng khi sử dụng lâu dài, điểm số đạt cao nhất ở vòng chạy đầu tiên, sau đó giảm dần và ổn định ở những vòng lặp sau.

Khi so sánh với các đối thủ khác, ta có thể thấy HP ProBook 440 G5 và Dell Latitude 3490 cho hiệu năng tốt hơn. HP 14 và Lenovo ThinkPad E480 cho hiệu năng tương đương với chiếc Lenovo V330-14IKB của chúng ta.

Lenovo V330-14IKB

Hiệu năng CPU qua bài chấm điểm Cinebench R15

Hiệu suất chung của hệ thống

Trên bảng xếp hạng hiệu năng hệ thống, Lenovo V330-14IKB đứng vị trí giữa bảng trong các đối thủ cùng phân khúc. Trải nghiệm sử dụng hàng ngày của máy không có điểm nào để chê. Nhờ bộ vi xử lý mạnh mẽ, cùng SSD tốc độ cao đảm bảo mọi công việc được triển khai mượt mà.

Hiệu suất chung qua bài chấm điểm bằng PCMark 10

Hiệu suất GPU

Intel UHD Graphics 620 đảm nhiệm công việc xử lý đồ họa cho thiết bị Lenovo V330-14IKB. Đây là GPU tích hợp cùng với CPU, nó không có bộ nhớ đồ họa riêng, mà sử dụng chung bộ nhớ RAM với hệ thống. Chính vì vậy, việc máy của bạn có chạy chế độ RAM đa luồng (hiểu đơn giản là 2 thanh RAM) hay không là rất quan trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu năng của GPU. Rất may, V330 được trang bị 8 GB RAM dưới dạng đa luồng (2 thanh RAM 4GB). Vì vậy, hiệu năng GPU được đảm bảo khá tốt. Dù vậy, hiệu năng của nó vẫn thấp hơn khá nhiều so với các GPU chuyên dụng hiện nay. Nhìn chung, sức mạnh GPU của V330 đủ sức để đáp ứng các tác vụ giải trí thông thường, cũng như chơi game nhẹ nhàng.

Điểm hiệu suất GPU bằng 3DMark 11

Hiệu suất ổ cứng

Đối với giải pháp lưu trữ, Lenovo V330-14IKB chỉ có một PCIe NVMe SSD qua cổng M.2 2280. Máy được trang bị SSD 256 GB của hãng Hynix. Hơi thất vọng vì đây là SSD tốc độ rất chậm trong dòng PCIe NVMe SSD. Dù trải nghiệm sử dụng hàng ngày không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng mình vẫn cảm giác Lenovo đã đánh lừa thị hiếu của người sử dụng một cách khá tinh tế.

Tốc độ SSD

Khả năng chơi game

Intel UHD Graphics 620 không phải GPU dành cho việc chơi game. Những game nhẹ, đời cũ có thể chơi được nhưng phải giảm chất lượng hình ảnh xuống. Chúng ta cũng không thể kết nối eGPU cho V330 vì máy không được trang bị cổng Thunderbolt 3.

Khả năng chơi game của máy

Tiếng ồn, nhiệt độ

Tiếng ồn

Quạt tản nhiệt của máy không hoàn toàn ngừng hoạt động, ngay cả khi ở chế độ nhàn rỗi. Vì vậy, máy không thích hợp cho những ai thực sự khắt khe về vấn đề yên tĩnh. Khi tải, quạt tản nhiệt hoạt động liên tục, nhưng âm thanh phát ra nhỏ, êm và không gây khó chịu.

Nhiệt độ

  • Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ nhàn rỗi vào khoảng: 28 độ C
  • Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ tải nặng tối đa vào khoảng: 37 độ C

Nhiệt độ của máy khá mát, luôn được giữ ở mức dưới 40ºC trong suốt quá trình thử nghiệm. Phần bên trái của chiếu kê tay có nóng hơn một chút, nhưng tổng thể khả năng quản lý nhiệt của thiết bị hoàn toàn tuyệt vời.

Biểu đồ nhiệt độ của máy khi ở chế độ tải nặng:

Loa ngoài

Loa ngoài được đặt ở cạnh dưới của thiết bị. Cách bố trí này hiện nay đang khá phổ biến, nhưng không thích hợp khi nghe nhạc hay xem phim. Âm lượng của máy không quá lớn, âm trầm bị thiếu cũng như âm thanh bị méo khi mở mức âm lượng tối đa. Bạn nên dùng tai nghe hoặc loa ngoài để có trải nghiệm âm thanh tốt hơn.

Tuổi thọ pin

Qua các bài test thì máy có khả năng lướt web bằng wifi lên tới 6 giờ. Với con số này, thiết bị không thích hợp cho những người làm việc di động trong một thời gian dài.

Thời lượng sử dụng pin

Giá và địa chỉ bán

Kết luận

8.1 Total Score
Laptop doanh nhân giá rẻ

Không quan trọng V330-14IKB có bao nhiêu điểm tích cực, nhưng màn hình TN là lý do bạn nên cân nhắc thật kỹ

Thiết kế
7.8
Màn hình
7.4
Bàn phím
7.5
Nhiệt độ
9.4
Tiếng ồn
9.4
Hiệu năng
9.5
Pin
8.1
PROS
  • Bàn phím ổn
  • Khả năng nâng cấp tốt
  • UltraBay
  • Nhiều cổng kết nối, bao gồm cả VGA
  • Hoạt động êm ái, mát mẻ
  • Giá cả phải chăng
CONS
  • Màn hình TN rất tệ
  • SSD chậm
  • Thời lượng pin thấp
  • Không có đèn nền bàn phím
User Rating: Be the first one!

Với V330-14IKB, Lenovo đã mang tới cho chúng ta một chiếc laptop doanh nhân không phải là ThinkPad. Phần cứng của máy đúng với tiêu chí giá cả phải chăng, được hoàn thiện hướng tới công việc văn phòng, tất cả đều có những điểm mạnh và yếu riêng.

Điểm tích cực đầu tiên, Lenovo V330-14IKB đáp ứng được rất nhiều nhu cầu cho doanh nhân cũng như doanh nghiệp. Ví dụ như việc sở hữu UltraBay slot cũng như cổng VGA. Máy cũng dễ dàng để nâng cấp, khung máy đủ chắc chắn để giữ cho bàn phím không bị cong vênh khi soạn thảo. Ngoài ra, nhiệt độ và tiếng ồn cũng được quản lý tốt. Đây là những điểm mạnh so với những thiết bị giá rẻ khác.

Điểm trừ lớn nhất trên Lenovo V330-14IKB chính là màn hình. Thông thường, bạn có thể tùy chọn màn hình TN để có mức giá rẻ hơn. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta không có sự lựa chọn. Điều đó có nghĩa là bạn phải chấp nhận góc nhìn tệ, độ bao phủ màu yếu hay độ tương phản thấp. Điểm thứ 2 là SSD tốc độ thấp và dung lượng pin cũng chỉ có 30Wh.

Dù máy không hề tệ, nhưng chính màn hình quá xấu ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm sử dụng. Vì vậy mình khuyên bạn nên cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn Lenovo V330-14IKB

Gửi bình luận & đánh giá

Để lại bình luận

Reviewed
Logo