Hướng Dẫn Cách Sử Dụng, Nấu Cơm Ngon Từ Nồi Cơm Điện

Bạn muốn nấu cho gia đình, người thân, người yêu thương một nồi cơm thật ngon? Bạn muốn học nấu cơm hay bạn muốn nấu ngon hơn? Bạn muốn khai thác cái nồi cơm điện nhà bạn thật tốt! Bạn đang tìm kiếm một bài hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về cách sử dụng Nồi cơm điện và nấu cơm ngon!

Vậy thì có lẽ đây là bài viết dành cho bạn.

Nếu bạn vẫn chưa tìm mua được một chiếc nồi cơm điện ưng ý, hãy tham khảo ngay bài: Nên mua nồi cơm điện loại nào tốt nhất hiện nay

1. Cách nấu cơm bằng nồi cơm điện

Nói ngắn gọn thì có mấy bước sau:

1.1. Đong gạo

Bạn cần dựa vào một số yếu tố sau để lấy lượng gạo cho phù hợp:

  • Số người ăn
  • Mức ăn của từng người: Có nhiều người ăn nhiều không?
  • Mức nở của loại gạo bạn định nấu? Nở nhiều hay ít? Gạo nở nhiều thì nấu bớt đi đôi chút.
  • Hầu hết mọi nồi cơm điện đều có một cái chén (cốc) để đong gạo, bạn có thể dùng nó và hãy nhớ mức bạn đã đong lần trước để rút kinh nghiệm cho lần sau.

1.2. Vo gạo

Bạn hãy cho gạo vào giá hay đơn giản chỉ là cho gạo vào chậu và “Vo” thôi! Tuy nhiên bạn cần chú ý một số điểm sau:

  • Hãy xem kỹ hướng dẫn trên bao gạo, nếu nhà sản xuất bảo không cần vo gạo hay không cần vo kỹ thì bạn hãy làm theo y như họ bảo nhé!
  • Nếu không có dòng hướng dẫn nào thì bạn cũng chỉ nên vo một lần thôi và đừng chà xát quá mạnh vì như thế sẽ làm mất đi các Vitamin và khoáng chất ở lớp vỏ bên ngoài của hạt gạo.
  • Hãy chú xem có sạn, bụi bẩn, tạp chất lẫn trong gạo không nhé! Có thì hãy nhặt ra@

1.3. Ngâm gạo hoặc cứ để gạo sau khi vo như vậy khoảng 15-30 phút

Nếu có thời gian thì bạn hãy ngâm gạo trong nước hoặc để gạo nguyên như vậy trong 15-30 phút. Việc này sẽ giúp cơm chín đều, ngon hơn, không bị nát. Nhưng bạn cũng nên lưu ý là chỉ nên để như vậy trong tối đa 30 phút thôi nhé! Để lâu quá có khi phản tác dụng đó@

1.4. Đong nước

Bạn cần lưu ý một số điểm sau:

  • Tỷ lệ hay dùng nhất là: 1 bát gạo: 1.5 bát nước hoặc 1 bát gạo: 2 bát nước.
  • Nếu là gạo mới, bạn chưa nấu bao giờ thì nên nấu thử một bữa với số lượng ít. Sau đó ghi nhớ tỷ lệ để điều chỉnh cho phù hợp.
  • Nếu bạn đã ngâm gạo trước hoặc để gạo nghỉ trước đó thì hãy bớt đi chút nước so với khi không ngâm.
  • Hầu như mọi nồi cơm điện đều có thang đo mực nước trong lòng nồi, bạn hãy học cách sử dụng nó!

1.5. Thêm một chút: Muối, dầu hoặc bơ nếu bạn thích

Việc này sẽ giúp hạt cơm trông đẹp mắt hơn, hạn chế cơm dính, cháy ở đáy nồi và hạt cơm có gia vị.

1.6. Cắm điện, bật nồi và nấu cơm thôi!

Một số điểm cần lưu ý:

  • Hãy lau khô lòng nồi trước khi đặt vào thân nồi.
  • Đặt bằng hai tay, xoay nhẹ cho lòng nồi tiếp xúc tốt với mâm nhiệt.
  • Cắm điện, bấm nút cho nồi chuyển sang chế độ nấu (với nồi cơm điện cơ) hoặc cài đặt chế độ nấu, hẹn giờ nấu (đối với nồi cơm điện tử).
  • Khi nồi chuyển sang chế độ ủ được khoảng 5-10 phút bạn hãy mở nắp và dùng muôi nhựa đánh đều (ghế) cơm lên.

Cứ để như vậy chờ cơm chín, chín rồi thì mang ra ăn thôi!

Đó nhìn chung thì chỉ có mấy bước vậy thôi! Bạn cứ làm theo thì thể nào cơm cũng chín, còn ngon đến mức nào thì phụ thuộc vào trình độ của bạn

Xem thêm: Cấu tạo nồi cơm điện và nguyên lý hoạt động

2. Cách sử dụng Nồi cơm điện để nấu cơm ngon hơn

Dưới đây là vài mẹo nhỏ giúp bạn có được một nồi cơm ngon với Nồi cơm điện:

  • Ghi nhớ tỷ lệ gạo/nước và dùng nó để điều chỉnh cho lần sau. Nếu gạo mới bạn chưa nấu lần nào thì nên nấu thử một bữa với lượng gạo ít trước để biết được tỷ lệ thích hợp.
  • Đừng vo gạo kỹ quá, sẽ mất chất dinh dưỡng đó.
  • Nấu cơm bằng nước sôi: Việc dùng nước sôi sẽ giúp hạt gạo nở đều, giữ lại nhiều chất dinh dưỡng nhất, giúp cơm ngon hơn.
  • Bạn có thể thay nước lọc bằng một số loại nước sau để nấu cơm:
    • Nước luộc gà
    • Nước luộc rau
    • Nước luộc thịt
    • Nước trà: Cách làm như sau: Dùng 0,5-0,7g lá chè, ngâm vào 1 lít nước sôi từ 5-8 phút, dùng vải thưa lọc hết bã, đổ nước chè đã lọc sạch bã vào gạo vo sạch và nấu như bình thường, đợi tới khi cơm chín là được.
  • Thêm một chút dầu ăn, bơ, muối vào gạo trước khi nấu nếu bạn thích.
  • Ngâm gạo trước khi nấu 15-30 phút hoặc vo xong để gạo như vậy khoảng 15 phút.
  • Cho giấm: Mùa hè, khi nấu cơm, cứ 1,5 kg gạo cho 2-3ml giấm ăn hoặc nước chanh, cơm nấu xong sẽ trắng, không bị thiu, chua.
  • Nấu cơm trước khi ăn khoảng 1h là hợp lý nhất.
  • Với gạo cũ bạn có thể làm như sau:
    • Vo sạch, dùng nước ngâm 2 tiếng, vớt lên để ráo nước.
    • Cho gạo vào nồi, đổ một lượng nước sôi vừa phải, cho 1 thìa dầu thực vật hoặc mỡ lợn trộn đều, dùng lửa to đun sôi, rồi tiếp tục dùng lửa nhỏ đun cho đến khi chín.
    • Nếu dùng nồi áp suất, chỉ cần đun nhỏ lửa khoảng 8 phút là cơm chín.
    • Với cách này, bạn sẽ thấy cơm ngon như cơm gạo mới.

Bạn nên nhớ rằng: Nồi cơm điện hiện đại đến đâu thì việc nấu cơm ngon hay không vẫn chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm của bạn! Thế nên hãy cố gắng thử nghiệm hết những mẹo trên nhé!

3. Cách chữa cơm bị: Khô, sống, nhão, khê

Cách chữa cơm khô

Nồi cơm điện

  • Cơm khô là do thiếu nước hoặc nồi cũ không cung cấp đủ độ nóng.
  • Bạn hãy lấy đũa chọc nhiều lỗ trên bề mặt cơm, vẩy nước lên trên, rồi đem nấu tiếp.
  • Đừng mở nắp nhiều lần trong khi nấu vì nó làm mất nhiệt khiến cơm khó mềm.

Cách chữa cơm sống

Nồi cơm điện

  • Cơm sống là thiếu nước hoặc thiếu nhiệt
  • Bạn hãy đảo cho cơm tơi ra, sau đó chuyển ra một nồi khác.
  • Dùng rượu rưới vào cơm theo tỷ lệ 1 rượu 10 cơm, bắc lên bếp đun lửa thật nhỏ (Bếp ga hoặc bếp điện) cho đến khi bốc hơi hết. Cơm sẽ chín mà không hề có mùi rượu lưu lại trong cơm.

Cách chữa cơm nhão

Nồi cơm điện

  • Bẻ vài mẩu ruột bánh mì để lên mặt cơm để hút hết độ ẩm thừa.
  • Cần thường xuyên mở nắp vung nồi cơm để tránh hơi nước bốc lên ngưng tụ trên nắp, nhỏ xuống thấm ngược vào cơm làm cơm bị nhão nặng hơn.
  • Khi cơm chín tới, bạn xới ra đĩa để hơi nước bốc đi bớt sẽ giúp cơm đỡ bị nhão hơn.

Cách chữa cơm khê

Một số cách giúp bạn xử lý lỗi kỹ thuật này:

  • Vỏ bánh mì: Khi cơm khê, lập tức tắt bếp, đặt vào nồi cơm một miếng vỏ bánh mỳ rồi đậy vung lại. Sau khoảng 5 phút, vỏ bánh mỳ sẽ hút hết mùi khê cháy trong cơm.
  • Lấy một chén nước lạnh cho vào nồi cơm, ấn xuống bằng mặt với cơm. Để nút Warm trong 1 – 2 phút, hoặc nếu nấu trên bếp thì vặn lửa nhỏ để ủ cơm, hết thời gian sẽ thấy cơm hết bị khê.
  • Nếu nhà bạn có sẵn than củi thì khi thấy cơm có mùi khê, hãy cho một cục than đỏ vào chén rồi cho vào nồi cơm, đậy nắp trong 10 phút thì than sẽ hút hết mùi khê.
  • Cắt khúc đầu hành lá, cắm vào trong cơm, đậy nắp một lúc rồi mở ra cũng là một cách để chữa mùi cơm khê.

Có rất nhiều cách giúp bạn xử lý những tình huống trên, tuy nhiên nếu bạn có nhiều tiền đôi chút thì hãy tham khảo những nồi cơm điện có giá từ 2 triệu trở lên, chúng sẽ có rất nhiều chức năng hiện đại giúp bạn nấu cơm ngon hơn!

4. Bảo quản và Hấp cơm nguội đúng cách

Phần cơm dư thừa nếu bỏ đi thì rất lãng phí! Theo quan điểm của Phật pháp thì đó là Ngọc thực, vì thế chúng ta cần tiết kiệm bằng hấp cơm nguội đúng cách.

Cách bảo quản cơm nguội

Nhưng bạn cần phải bảo quản cơm nguội đúng cách đã:

  • Nếu mùa đông bạn có thể để cơm ở nhiệt độ thường, để trong nồi cơm hoặc múc ra bát có đậy nắp kín. Cách này bảo quản cơm được 12h mà cơm không bị sao nhé. Nếu cho cơm vào tủ lạnh có thể giữ được 24h mà cơm vẫn ngon.
  • Nếu là mùa hè bạn nên cho cơm vào hộp hoặc bát có nắp đậy kín, bỏ vào trong tủ lạnh có thể giữ được 24h mà cơm vẫn ngon.
  • Nếu mùa hè để nhiệt độ thường chỉ để được khoảng 4 – 6h, nếu quá thời gian đó cơm sẽ có dấu hiệu hư hỏng.
  • Khi bảo quản cơm nguội cần đậy kín nắp để vi khuẩn, các loại ruồi bọ không xâm nhập được gây hư hỏng và biến chất cơm.
  • Bảo quản khi cơm khô ráo, không dính nước, không bảo quản cơm cùng thức ăn khác.

Cách hấp cơm nguội

  • Dùng nồi cơm điện: Nấu cùng với cơm mới:
    • Đợi cơm mới nấu sôi nước, bắt đầu cạn hãy nhanh tay cho cơm nguội vào.
    • Đậy nắp và để cho nồi nấu như bình thường.
    • Khi cơm mới chín thì phần cơm nguội cũng nóng và dẻo như cơm mới luôn.
  • Dùng nồi cơm điện: Nấu lại cơm nguội:
    • Cho chút nước xuống đáy nồi cơm điện rồi cho cơm nguội vào, dàn đều mặt nồi.
    • Cắm điện nấu như nấu cơm bình thường, khoảng 10 phút sau bạn sẽ thấy hơi bốc lên và nồi cơm bật nút ủ như bình thường.
    • Khoảng 5 phút sau mang cơm ra ăn nóng sốt như cơm mới nấu luôn nhé.
  • Nấu lại cơm nguội bằng lò vi sóng:
    • Cho cơm vào bát chuyên dùng, rắc vài hạt nước như sương bay lên bát cơm đó.
    • Cho vào và bật nút nấu khoảng 10 phút là cơm nóng ngon như mới nấu luôn.
    • Phương pháp này nhanh nhưng không phải ai cũng có lò vi sóng.
  • Hấp lại bằng phương pháp hấp cách thủy:
    • Dùng khay nấu xôi có ở nồi cơm điện hoặc nồi áp suất. Cho cơm nguội vào đó, dàn đều khắp khay để hấp.
    • Cho nước vào nồi đun và hấp cách thủy như bình thường, sôi khoảng 10 phút là cơm đã nóng dẻo như cơm mới nấu.

5. Cách sử dụng nồi cơm điện giúp tăng độ bền

  • Không vo gạo trong lòng nồi: Việc này sẽ khiến lớp chống dính bị chà xát và dễ bong ra hơn.
  • Lau khô lòng nồi trước khi đặt vào thân nồi: Việc này sẽ tránh làm hoảng mâm nhiệt dưới đáy nồi.
  • Dùng hai tay và xoay nhẹ lòng nồi khi đặt vào thân nồi: Giúp lòng nồi tiếp xúc với mâm nhiệt một cách an toàn và tốt nhất.
  • Hạn chế cắm điện của nồi cơm điện với các thiết bị có công suất cao khác như: Tủ lạnh, nồi áp suất, máy giặt… để tránh điện áp bị tăng giảm đột ngột.
  • Đừng thử dùng tay hay vật gì bịt lỗ thoát hơi của nồi.
  • Mặc dù có thể bạn thích ăn cơm hơi có chút cháy nhưng đừng bấm đi bấm lại nhiều lần nút nấu. Việc này sẽ làm cho rơ-le, mâm nhiệt của nồi giảm tuổi thọ khá nhiều!
  • Hạn chế nấu các món khác trong nồi cơm điện, dĩ nhiên nếu nhà sản xuất bảo có thể nấu thì bạn cứ nấu thoải mái! Nhưng đa phần với nồi cơm điện cơ thì nên hạn chế.
  • Hãy dùng muôi nhựa hay gỗ khi xới cơm.
  • Vệ sinh nồi:
    • Không dùng miếng chà nhám hay đồ chà có chứa kim loại khi vệ sinh lòng nồi.
    • Nên ngâm nước trước khi cọ lòng nồi.
    • Vệ sinh toàn bộ nồi: Lòng nồi, nắp trên, thân nồi.
    • Với thân nồi thì hãy dùng khăn ẩm lau sạch.
    • Với nồi cơm điện tử thì cần để cho nồi nguội rồi hãy vệ sinh.
  • Để nồi cơm điện ở vị trí thoáng mát, sạch sẽ, khô ráo. Tránh ẩm mốc, ánh nắng trực tiếp.

Xem thêm: Nồi cơm điện bây giờ khác gì so với lúc nó mới sinh ra?

Chắc là thôi chứ nhỉ? Mình thấy bài viết cũng dài quá rồi, mong rằng những thông tin trên có ích với bạn. Chúc bạn nấu cơm thật ngon và luôn có những phút giây đầm ấm bên gia đình, người thân!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Gửi bình luận & đánh giá

Để lại bình luận

Reviewed
Logo