Dòng laptop doanh nhân 14 inch mới từ Lenovo – Thinkpad T480 được thiết kế dựa trên người tiền nhiệm đã rất thành công là Lenovo Thinkpad T470. Trong bài viết này mình sẽ đánh giá chiếc T480 phiên bản sử dụng bộ vi xử lý Intel i7-8550U và GPU Nvidia GeForce MX150. Chúng ta sẽ khám phá xem, liệu rằng với sự nâng cấp về phần cứng, chiếc Thinkpad mới này có còn thành công, cho điểm số hiệu năng cao mà vẫn giữ được những ưu điểm khác như nhiệt độ, độ tiêu thụ và thời lượng pin không nhé.
Nếu bạn có ý định mua một chiếc Thinkpad T480, Lenovo sẽ cho bạn rất nhiều lựa chọn về phần cứng. Bạn có thể lựa chọn theo sở thích, nhu cầu cũng như khả năng tài chính của mình. Viên pin phụ thứ 2 chính là một trong số đó.
Cạnh tranh với Thinkpad T480 còn có Dell Latitude 5490, HP EliteBook 840 và Fujitsu LifeBook U747.
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là thông số kỹ thuật của chiếc laptop Đánh giá Thinkpad T480 (i7-8550U, MX150, FHD) được sử trong bài đánh giá này:
CPU | Intel Core i7-8550U |
GPU | NVIDIA GeForce MX150 - 2048 MB |
RAM | 8GB DDR4 |
Ổ cứng | Samsung SSD PM981 MZVLB512HAJQ, 512 GB |
Màn hình | IPS, 14 inch, tỷ lệ 16: 9 Độ phân giải 1920x1080 pixel, 157PPI |
Cổng kết nối | 3 USB 3.0 / 3.1 Gen1, 1 USB 3.1 Gen2, 1 Thunderbolt, 1 HDMI, 1 DisplayPort, 1 Kensington Lock, 1 Docking Station Port, Audio Connections: headphone/microphone combo jack, Card Reader: SD, 1 SmartCard, 1 Fingerprint Reader, NFC |
Kết nối không dây | Intel 8265 Tri-Band WiFi (Oak Peak) Network Adapter (a/b/g/n = Wi-Fi 4/ac = Wi-Fi 5), Bluetooth 4.2 |
Hệ điều hành | Microsoft Windows 10 Pro 64 Bit |
Pin | 72Wh |
Kích thước (Cao x Rộng x Dài) | 20 x 337 x 233 mm |
Trọng lượng | 1.776 kg |
Đánh giá laptop LenovoThinkpad T480 (i7-8550U, MX150, FHD)
Thiết kế
Về mặt thiết kế, chiếc T480 không có nhiều điểm khác biệt so với chiếc Thinkpad T470. Phần thân máy được làm bằng chất liệu nhựa màu đen khá giống với cao su. Chính vì vậy cảm giác cầm và giữ máy trên tay rất dễ dàng. Tuy nhiên thì chất liệu này khá dị ứng với vết bẩn, nhất là mồ hôi tay. Phần khung của máy vẫn được làm từ chất liệu nhựa cứng cáp. Bề mặt các phím cũng chỉ còn được uốn cong một chút. Khi mình tác động một lực vào phần khung của máy, máy vẫn phát ra những tiếng cọt kẹt nhỏ, nhất là ở vị trí đặt cảm biến vân tay. Bản lề của máy không hề có gì để chê khi nó vừa cứng cáp mà góc mở lại lên tới tận 180 độ.
Màn hình của máy rất mỏng, nhìn khá đẹp. Nhưng để bù lại thì nó sẽ mong manh hơn một chút khiến màn hình có thể bị bẻ cong. Khi tác động lực sẽ tạo thành một số quầng sáng ở cạnh màn hình. Vì vậy mình khá quan ngại vấn để chảy mực màn hình nếu bạn có chẳng may làm rơi máy hoặc để vật nặng đè lên.
Phần logo ThinkPad ở mặt sau màn hình nổi bật với dấu chấm của chữ “i” được cách điệu bằng đèn LED màu đỏ sẽ sáng lên khi bạn bật máy. Ngoài ra có một điểm thú vị nữa là ngoài viên pin được gắn trong máy ra, bạn còn có tùy chọn thêm một viên pin gắn ngoài nữa. Tức là bạn sẽ có 2 viên pin cùng một lúc. Thường thì viên pin thứ 2 sẽ dày hơn, làm cạnh sau của máy cao hơn khoảng 1 cm. Lenovo ThinkPad T480 không có khoang bảo trì riêng.
Cổng kết nối
So với Lenovo Thinkpad T470, có một số thay đổi nhỏ ở cổng kết nối của T480. Phía bên cạnh trái, cổng USB Type A được thay bằng một cổng Docking. Có khá nhiều tính năng mới từ Lenovo được sử dụng qua cổng Docking này. Chính vì vậy mà số cổng USB Type A được giảm xuống chỉ còn 2 cổng. Cổng Docking của máy được kết nối qua Thunderbolt 3, cổng sạc cũng được loại bỏ. Thay vào đó máy sẽ sạc qua cổng USB Type C. Tốc độ các cổng USB Type A cũng khá nhanh, cho tốc độ truyền dữ liệu lên tới 370MB/s trong bài thử nghiệm với ổ cứng gắn ngoài Samsung T3 SSD.
Bên cạnh các cổng thông dụng như USB, Ethernet, HDMI, đầu đọc thẻ SD, máy còn có tùy chọn SmartCard reader. Cổng VGA đã bị loại bỏ, vì vậy nếu bạn muốn sử dụng cổng VGA thì phải có cổng chuyển đổi riêng. Vị trí các cổng hầu hết đều hợp lý. Cạnh trước và cạnh sau của máy không có cổng kết nối.
Các cạnh của máy:
Webcam
- Máy được trang bị webcam độ phân giải 720p, vị trí ở giữa cạnh trên của màn hình giống như những chiếc laptop khác
- Chất lượng hình ảnh khá tệ, nhiều nhiễu ngay cả khi có đầy đủ ánh sáng, màu sắc cũng bị phai khá nhiều
- Webcam có nắp trượt để che gọi là ThinkShutter giúp tăng tính bảo mật
Khả năng bảo trì, nâng cấp
ThinkPad T480 không có khoang bảo trì riêng. Giống với những chiếc máy đời trước, bạn chỉ cần làm lỏng 6 con ốc để tháo được phần nắp dưới ra. Vì vậy bạn sẽ không phải lo mất ốc vì nó vẫn ở nguyên vị trí như ban đầu. Tuy nhiên việc tháo nắp sau của máy không phải đơn giản. Vì nó yêu cầu sự kiên nhẫn và nỗ lực một chút để tránh không làm hỏng nắp sau khi tháo nó ra. Đặc biệt là phần gần với khoang pin gắn ngoài. Khi tháo nắp sau của máy, bạn phải tạo được sự cân bằng lực giữa các bên để tránh làm hỏng thân máy cũng như phần nắp sau.
Sau khi tháo được phần nắp sau, phần thưởng của bạn sẽ là quạt, pin gắn trong, 2 cổng RAM, pin BIOS. Bạn cũng có thể dễ dàng tiếp cận được cổng SSD M.2
Thiết bị đầu vào
Bàn phím
Bàn phím của máy không có sự thay đổi so với những phiên bản đời trước, đây vẫn là chiếc bàn phím tốt nhất trên thị trường laptop hiện nay. Bề mặt phím hơi lõm một chút, hành trình phím dài và điểm lực chính xác cho độ phản hồi tốt sẽ làm hài lòng tất cả những người phải gõ phím nhiều.
Phím Fn của máy cảm giác nhỏ hơn so với các phím khác so với các máy khác. Phím Fn được đặt ở vị trí mất khá nhiều thời gian để làm quen. Nó được đặt ở góc dưới dùng bên trái. Nên khi muốn sử dụng các cụm phím như Ctrl A, hay Ctrl + Shift sẽ hơi bị gượng vì thường xuyên bị bấm nhầm. Tuy nhiên thì bạn cũng đừng quá lo vì bạn có thể đổi vị trí hai nút Fn và Ctrl ở trong BIOS.
Trong quá trình soạn thảo, bàn phím khá yên tĩnh. Chỉ có những phím lớn như Enter hoặc Space có kêu to hơn một tý. Trong phiên bản mình sử dụng có đèn nền bàn phím với 2 mức độ sáng. Bạn cũng có thể lựa chọn phiên bản không có đèn nền trên website của Lenovo. Vì vậy mình khuyên bạn nên để ý kỹ những tùy chọn của máy.
Touchpad
Touchpad của Thinkpad T480 có kích thước khoảng 10 x 7 cm. Nằm lệch về phía bên dưới một chút, nhường chỗ cho 2 nút chuột. Nút chuột có âm thanh khá lớn, không giống với âm thanh các phím khác. Bề bặt touchpad khá mịn, sử dụng dễ dàng. Chất lượng hoàn thiện ở mức cao, không hề có những tiếng động lạ. Khả năng nhận các cử chỉ nhiều ngón cũng rất nhanh và chính xác.
Như truyền thống của ThinkPad T480 cũng được trang bị Trackpoint với nút chuột riêng. Có tổng 3 nút chuột, âm thanh và cảm giác bấm khác nhau tùy từng vị trí bạn đặt lực.
Màn hình
Thông số chính
- Công nghệ IPS
- Kích thước: 14 inch
- Độ phân giải: 1920×1080 pixel
- Độ sáng tối đa: 309 cd/m², trung bình: 295.2 cd/m². Tỷ lệ phân bố độ sáng: 90%
- Tỷ lệ tương phản: 1228:1 . Giá trị màu đen: 0.25 cd/m²
- ΔE màu: 3.7
- Phần trăm không gian màu: 58.7% sRGB và 37.4% AdobeRGB
Khả năng nhìn ngoài trời, góc nhìn
Màn hình của T480 có đủ các thông số để hoạt động tốt ngoài trời. Với độ sáng màn hình khoảng 300 cd/m2, chỉ số màu đen tốt cùng độ tương phản cao sẽ cho trải nghiệm khá thoải mái khi sử dụng máy ngoài trời. Các nội dung trên màn hình cũng được hiển thị tốt, dễ đọc hơn. Màn hình mờ cũng hạn chế tối đa sự phản chiếu hình ảnh.
Cũng như những chiếc màn hình IPS khác, góc nhìn của máy vẫn rất tốt. Tuy nhiên thì độ sáng màn hình bị tụt khá nhiều ở những góc nhìn hẹp. Nhất là khi nhìn tư trên xuống.
Hiệu năng
Phiên bản được sử dụng trong bài viết có bộ vi xử lý Intel Core i7-8550U, GPU Nvidia GeForce MX150, 8GB RAM và ổ cứng SSD 512GB của Samsung. Vì vậy khả năng của máy không chỉ giới hạn với các công việc văn phòng, mà còn có thể dùng để xử lý đồ họa hay video. Bạn cũng có thể dùng máy để chơi game trong một giới hạn nào đó. Với sự đa năng như vậy, chiếc T480 có thể đáp ứng được nhu cầu của dân văn phòng, học sinh, giáo viên cũng như các doanh nhân.
Hiệu năng CPU
Được trang bị bộ vi xử lý Intel Core i7-8550U 4 nhân, 8 luồng nhờ công nghệ Hyper-Threading. Hơn nữa đây là một bộ vi xử lý dòng U, được thiết kế nhằm tiết kiệm điện, giảm mức độ tiêu thụ điện năng thường được trang bị cho những chiếc Notebooks hoặc Ultrabook. Xung nhịp của chip được thiết kết từ 1.8 đến 4.0 GHz, bộ vi xử lý này được tích hợp GPU Intel UHD Graphics 620.
Trong bài kiểm tra vòng lặp của Cinebench R15, hiệu năng của máy giảm giữa lần thứ nhất và thứ 2 khoảng 5% và duy trì suốt trong những vòng lặp sau. Nếu bạn sử dụng nguồn pin thì hiệu năng còn giảm sâu hơn nữa – khoảng 40%.
Hiệu suất chung của hệ thống
Hiệu suất chung hệ thống của máy đạt điểm số rất cao. Các thiết bị cạnh tranh có điểm số sát nhau và T480 có số điểm nằm ở top trên. Nhìn chung thì Thinkpad T480 cho một trải nghiệm sử dụng tuyệt vời. Mọi tác vụ đều hoạt động cực kỳ mượt mà và không hề có độ trễ.
Hiệu suất GPU
Phiên bản mà mình đang sử dụng có hai tùy chọn GPU. Đó là GPU tích hợp Intel UHD Graphics 620 và GPU rời MX150. MX150 không phải là một con quái vật để chơi game nhưng nó vẫn mạnh hơn GPU tích hợp của Intel khá nhiều. MX150 chỉ nhanh hơn một chút so với GTX 950M. Như các trang nước ngoài đánh giá, thì MX150 được coi là một giải pháp GPU giá rẻ để xử lý các chương trình đồ họa, chơi game trong một giới hạn nhất định.
Hiệu suất ổ cứng
Máy được trang bị ổ SSD Samsung PM961, là một trong những ổ SSD nhanh nhất thị trường hiện nay. Vì vậy bạn không có gì phải phàn nàn về tốc độ tải dữ liệu cũng như khởi động các ứng dụng cả. Đơn giản vì nó đã quá nhanh rồi!
Khả năng chơi game
Nếu bạn là một người thích chơi game sau những giờ làm việc cẳng thẳng? Tin tốt là T480 hoàn toàn có thể dùng để chơi game. Còn tin xấu: Đó là trải nghiệm chơi game trên chiếc T480 không thực sự đã. Máy có thể chơi những tựa game nặng ở mức thiết lập thấp nhất, còn những tựa game không đòi hỏi quá nhiều phần cứng thì máy có thể chơi ở mức độ họa trung bình.
Tiếng ồn, nhiệt độ
Tiếng ồn
Tiếng ồn phát ra trong quá trình hoạt động của máy hoàn toàn tạo sự thoải mái cho người sử dụng. Máy không bao giờ có những tiếng ồn quá mức. Nếu hoạt động dưới tải, thỉnh thoảng quạt tản nhiệt có hoạt động nhưng gần như nó đều dừng trong đa số thời gian. Khi hoạt động ở mức tải tối đa, độ ồn quạt tản nhiệt của máy chỉ khoảng 35.5 dB(A). Đây là một mức ồn cực kỳ dễ chịu so với những chiếc laptop hiện nay.
Nhiệt độ
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ nhàn rỗi vào khoảng: 24.1 độ C
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ tải nặng tối đa vào khoảng: 49.9 độ C
Nhiệt độ của máy phân bố tập trung chủ yếu ở phía trên, vì vậy phần kê tay vẫn mát, không quá nóng. Nhiệt độ khi tải của máy khá mát nên bạn hoàn toàn có thể đặt máy ở trên đùi để sử dụng.
Biểu đồ nhiệt độ của máy khi ở chế độ tải nặng:
Loa ngoài
Theo đánh giá của mình cũng như từ những trang nước ngoài, loa của chiếc ThinkPad T480 là chiếc loa ở mức trung bình tốt. Âm thanh không thực sự quá lớn và phần bass cũng bị thiếu hụt khá nhiều. Âm trung và âm cao cũng được tái tạo không thực sự hoàn hảo. Nếu bạn cần làm việc yêu cầu cao về âm thanh hay nghe nhạc thì mình khuyên bạn nên sử dụng tai nghe hoặc loa ngoài.
Tuổi thọ pin
Cũng như những phiên bản trước, chiếc máy mình đang sử dụng có 2 viên pin. Một viên pin gắn bên trong máy có dung lượng 24 Wh. Một viên pin gắn ngoài có dung lượng từ 24 cho tới 72 Wh. Khi lắp viên pin phụ thứ 2 vào thì máy sẽ nặng hơn và dầy hơn một chút nhưng sẽ cho thời lượng sử dụng dài hơn nhiều. Phiên bản mà mình nhắc tới trong bài viết sử dụng viên pin gắn ngoài 48 Wh.
Trong bài thử nghiệm Wifi, thiết lập chế độ năng lượng là “balance”, máy có khả năng trụ được trong vòng 13h 14 phút. Nếu tháo viên pin gắn ngoài ra thì máy chỉ trụ được 5h.
Giá và địa chỉ bán
Kết luận
Nhìn chung, T480 là một chiếc máy có tính di động cao, rất thích hợp cho các doanh nhân mà cũng đáp ứng được nhiều nhu cầu cho dân văn phòng, học sinh. Chỉ có điều mức giá của nó thường cao hơn so với các thương hiệu khác cùng cấu hình trên giấy!