Chỉ ra đời sau A52 khoảng nửa tháng nhưng mình nghĩ đây là một cặp sinh đôi thì đúng hơn. Không có một điểm khác biệt gì từ thiết kế tới hiệu năng để nói về sự khác biệt ở đây. Nếu muốn tìm ra thì đó chính là sự thay đổi ở bộ tứ camera sau của nó. Giờ đây OPPO A92 đã có camera chính 48MP nhưng nó lại cắt bỏ đi camera macro, thay vào đó là một ống kính đen trắng cũng 2MP.
Điểm khác cuối cùng có thể là màu sắc trong thiết kế để phân biệt hai chiếc điện thoại. Liệu chúng có thực sự là 2 anh em sinh đôi? Hãy cùng mình đánh giá chi tiết chiếc điện thoại này nhé!
Thông số kỹ thuật
Bộ xử lý (CPU) | Qualcomm SM6125 Snapdragon 665 (11 nm) CPU Lõi tám (4x2,0 GHz Kryo 260 Gold & 4x1,8 GHz Kryo 260 Silver) |
Bộ xử lý đồ họa (GPU) | Adreno 610 |
RAM | 8GB |
ROM | 128GB |
Thẻ nhớ | microSDXC (khe cắm chuyên dụng) |
Số Sim | Hai SIM (Nano-SIM, chế độ chờ kép) |
Màn hình | Công nghệ: cảm ứng điện dung IPS LCD, 16 triệu màu Kích thước: 6.5 inches Tỷ lệ: 20:9 Độ phân giải: 1080 x 2400 pixel, mật độ ~ 405 ppi Độ sáng 480 nits |
Kết nối | USB type C 3.1 Cảm biến vân tay Cổng tai nghe 3.5 mm NFC Bluetooth 5.0 |
Cảm biến | Cảm biến vân tay gắn bên Cảm biến chuyển động Con quay hồi chuyển Cảm biến tiệm cận, la bàn Nhịp tim, SpO2 |
Mạng | Wi-Fi 802.11 a/b/g/n/ac/ax, dual-band, Wi-Fi Direct, hotspot GSM / CDMA / HSPA / EVDO / LTE |
Pin | Lithium-polymer 5000 mAh Sạc nhanh 18W |
Máy ảnh | Camera sau gồm 4 ống kính - 48 MP, f/1.7, (wide), 1/2.0", 0.8µm, PDAF - 8 MP, f/2.2, 119˚ (ultrawide), 1/4.0", 1.12µm - 2 MP, f/2.4, (depth) - 2 MP B/W, f/2.4 Camera trước: - 16 MP, f/2.0, (wide), 1/3.06, 1.0µm |
Chống nước | Không chống nước |
Kích thước | 162 x 75,5 x 8,9 mm (6,38 x 2,97 x 0,35 in) |
Trọng lượng | 192 g |
Đánh giá chi tiết điện thoại Oppo A92
Thiết kế
Như mình đã nói ở trên, Oppo A92 như là một người anh em sinh đôi với Oppo A52 ra đời cách đó mấy tháng. Vâng thiết kế bên ngoài của A92 giống A52 như đúc ra từ cùng một khuôn, kể cả cân nặng, kích thước hay màu sắc. À mình hơi sai là A92 ra đời sau nên nó có thêm một màu nữa đấy là Aurora Purple (Tím cực quang) rất bắt mắt.
Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài hay cầm nắm thì bạn sẽ không thể nào phân biệt được đó là A92 hay là một chiếc A52 nhé. Trừ khi bạn đang cầm là bản màu tím cực quang.
Cảm giác cầm nắm và hoàn thiện là rất ổn nhé. Các cạnh và góc đều được bo tròn nhẹ và liền mạch. Nó khá là chắc tay để cầm. Tuy nhiên cấu tạo bóng phản quang khiến cho nó bám vân tay khá nhiều.
Mặt trước
Hơn 83% mặt trước được chiếm bởi màn hình và đó là một màn hình IPS LCD 6.5 inch rất thông dụng trong phân khúc này. Các cạnh bên và phần trán máy cũng rất mỏng cho trải nghiệm màn hình tốt nhất. Nhưng phần cằm vẫn còn hơi dày, tất nhiên không thể đòi hỏi nó mỏng như các sản phẩm flagship được.
Đây là một màn hình đục lỗ và chúng ta có một lỗ nhỏ ở góc trên bên trái dành cho camera selfie 16 MP của nó. Bố trí đục lỗ khá là hợp lý khi nó nằm ở góc khuất khi bạn thao tác chơi game, như vậy nó sẽ không ảnh hưởng tới trải nghiệm màn hình. Dải loa thoại ở trên cùng, nó không gây chú ý nhưng nếu nhìn kỹ bạn vẫn sẽ nhận ra sự tồn tại của nó.
Mặt sau
Mặt sau hoàn thiện bằng nhựa bóng và trang trí nổi 3D rất bắt mắt. Chúng ta sẽ có 3 màu đó là Twilight Black, Stream White, Aurora Purple tức là nhiều hơn một màu Aurora Purple so với bản A52.
Đáng chú ý nhất vẫn là bộ tứ camera được thể hiện ở đây. Chúng được sắp xếp trong một khối camera hình chữ nhật cùng với đèn LED ở góc trái. Có một số nâng cấp về phần cứng camera ở bản A92 này và mình sẽ nói chi tiết hơn ở phần đánh giá camera.
Các cạnh còn lại
Khung máy vẫn là nhựa và đó là vật liệu phổ biến của điện thoại Oppo trong phân khúc này. Tuy nhiên họ biết cách hoàn thiện để nó trông cao cấp. Các cổng kết nối và nút bấm vật lý vẫn là được gắn trên khung này.
Cạnh phải vấn như cũ là nút nguồn, tuy nhiên nút nguồn được vát bằng và lõm hơn so với khung máy. Ở đây còn được tích hợp đầu đọc dấu vân tay khá thuận tiện. Nó nhận dạng vân tay rất tốt và mở khóa khá nhanh.
Cạnh bên trái vẫn là hai nút điều khiển âm lượng tách biệt cùng với khay sim. Chúng ta có 2 vị trí dành cho sim và 1 vị trí thẻ nhớ độc lập. Nghĩa là bạn có thể đồng thời dùng 2 sim và mở rộng bộ nhớ mà không cần chia sẻ nữa.
Cạnh trên không có gì nhưng cạnh dưới lại tập trung khá nhiều thứ. Đó chính là jack cắm tai nghe 3.5 mm, micro chính, khe cắm sạc và loa ngoài. Khe cắm sạc chính là type C 1.0 có tốc độ sạc và truyền dữ liệu nhanh hơn micro USB. Loa ngoài sử dụng loa âm thanh nổi cho chất lượng âm thanh rất tốt.
Màn hình
Oppo A92 được trang bị màn hình IPS LCD 6.5 inch với độ phân giải FHD+ (1080 x 2400 pixel) tạo ra mật độ điểm ảnh 405 ppi tái hiện hình ảnh rất tốt. Tuy rằng so sánh với tấm nền AMOLED của Oppo A91 thì A92 không thể sánh bằng như chắc chắn nó đủ dùng.
Độ sáng màn hình đạt tối đa ở 480 nits, nó đủ sáng để bạn làm việc trong nhà, trong phòng tối hoặc ngoài trời. Nhưng nếu là một ngày nắng hoặc ánh nắng chiếu trực tiếp trên màn hình thì nó chưa đủ. Bạn sẽ cần che chắn ánh sáng một chút để đọc được nội dung màn hình. Bù lại bạn sẽ có góc nhìn rất tốt vì đó là màn hình IPS.
Có một điểm hay của phần mềm chính là chế độ chăm sóc mắt “Eye Care” mà bạn dễ dàng tìm thấy ở thanh cuộn thông báo phía trên. Nó điều chỉnh độ sáng màn hình phù hợp với mắt của bạn, nó không quá sáng, không quá tối để mắt của bạn dễ nhìn mà không bị ảnh hưởng.
Phần mềm
Oppo A92 chạy hệ điều hành Android 10 mới nhất hiện nay với quyền truy cập vào tất cả ứng dụng và dịch vụ của Google. Hơn nữa nó sử dụng giao diện người dùng mới nhất của Oppo là ColorOS 7.1. Nhìn chung về phần mềm chiếc điện thoại này không có gì quá mới mẻ.
Nhưng có một điều đáng yêu thích chính là kho chủ đề đa dạng của nó với khả năng tùy biến cao. Nó giúp bạn tùy chỉnh thẩm mĩ menu của mình thành những giao diện mà bạn yêu thích. Tuy nhiên những chủ đề “top hot” đều cần bạn trả phí để sử dụng.
Một điều khá khó chịu chính là máy cài đặt sẵn rất nhiều ứng dụng có sẵn cùng với chợ ứng dụng của Oppo. Thậm chí có những ứng dụng bạn chẳng biết nó là dùng để làm gì nữa đấy. Tuy nhiên đây không phải ứng dụng hệ thống, vì thế bạn có thể xóa đi nếu muốn.
App Market và Play Store cũng không khác nhau nhiều, nhưng mức độ phong phú chắc hẳn Play Store vượt trội hơn rồi. Bạn có thể sử dụng song song cả 2 chợ ứng dụng này.
Hiệu năng
Điện thoại Oppo A92 được trang bị chipset Snapdragon 665 tương tự như trên người anh em sinh đôi A52 của nó. Nhưng các điểm số nhận được là cao hơn một chút nhờ khả năng đa nhiệm tốt hơn với RAM 8GB và bộ nhớ 128GB.
Khi chay các bài test hiệu năng chúng ta sẽ có những điểm số sau:
- Geekbench 5: 312 điểm đơn nhân, 1.391 điểm đa nhân, 369 điểm hiệu năng tổng thể.
- 3D Mark: 1.121 điểm đồ họa 2D, 1.120 điểm đồ họa 3D.
- PCMark: 7.440 điểm.
Điểm hiệu năng này cho thấy nó thực sự thấp hơn các đối thủ khác trong cùng phân khúc giá. Tuy nhiên nó đủ để bạn sử dụng với các tác vụ thường ngày. Bạn có thể xem phim, nghe nhạc, lướt web với wifi hoặc mạng xã hội một cách thoải mái. Nhưng mà để dùng chơi game thì nó chỉ dừng ở mức giải trí được mà thôi.
Khả năng chơi game
Như mình đã nói khả năng xử lý để chơi game của chiếc điện thoại này chỉ dừng lại ở mức giải trí mà thôi. Nếu bạn muốn leo rank thì nên đầu tư thêm một chút hoặc lựa chọn một chiếc điện thoại khác. Ít nhất nó cũng phải tương đương với Snapdragon 720G nhé, nếu tốt nhất thì đó là Snapdragon 865+ mới nhất dành cho các Flagship.
Snapdragon 665 của chúng ta vẫn đáp ứng bạn chơi game nhưng trải nghiệm chơi game sẽ không ổn như bạn mong muốn. Dưới đây mình test qua 2 tựa game thông dụng hiện nay tại nước ta nhé.
Bắt dầu với PUBG mobile, chúng ta sẽ chỉ có thể cài đặt ở mức đồ họa cân bằng và tốc độ khung hình trung bình mà thôi, dù bạn muốn cài lên cao hơn cũng chẳng được. Tất nhiên với cấu hình như thế này, máy sẽ hoạt động tốt thôi. Từ lúc bung dù hay là bắn nhau hội đồng thì cũng đều khá là mượt mà. Tất nhiên có đôi lúc giật lag nhưng nhìn chung trải nghiệm là khá tốt. Nếu chờ game tối ưu hơn với chipset này thì trải nghiệm sẽ càng tốt hơn
Đối với game Liên Quân mobile, máy cho phép bật đồ họa cao nhất với tốc độ khung hình cao nhất. Ban đầu để cấu hình như vậy thì trải nghiệm game khá tệ với những lúc giật lag khiến cho mình không biết vì sao lên bảng đếm số. Nhưng nếu bạn cài đặt ở cấu hình thấp hơn và FPS 30, bạn sẽ có trải nghiệm game mượt mà hơn. Tất nhiên bạn sẽ không còn đồ họa đẹp mắt nữa rồi.
Camera
Điện thoại Oppo A92 được trang bị bộ tứ camera AI phía sau bao gồm:
- Camera chính 48MP f / 1.7, 1 / 2.0 “, 0.8µm, PDAF
- Camera góc siêu rộng 8 MP, f / 2.2, 119˚, 1 / 4.0″, 1.12µm
- Cảm biến chiều sâu 2MP f / 2.4 hỗ trợ chụp chân dung
- Cảm biến đen trắng 2MP f / 2.4 giúp tăng chi tiết hình ảnh
Camera chính
Camera chính 48MP cho ra hình ảnh mặc định 12MP với công nghệ Quart Bayer. Nhìn chung hình ảnh tạo ra sẽ tái tạo tốt màu sắc và có phần hơi rực rỡ, đặc biệt là màu xanh lá như hình dưới
Bạn có thể sử dụng camera chính để chụp một số tấm hình macro với chất lượng hình ảnh khá tốt trong điều kiện đủ sáng. Lượng chi tiết vừa đủ để sử dụng đăng lên mạng xã hội.
Mặc dù không trang bị camera tele nhưng điện thoại có khả năng chụp ảnh zoom kỹ thuật số 2x tới 5x. Mặc dù vậy ảnh zoom 5x vỡ khá nhiều và hầu như không dùng được. Còn zoom 2x thì khá ok đấy.
Với sự hỗ trợ của cảm biến chiều sâu, trong điều kiện đủ sáng bạn vẫn có nhưng tấm hình chân dung khá tốt. Máy ảnh nhận dạng chủ thể và tách khỏi background rất ổn. Những đường nét ở cạnh đều được phát hiện tốt, ngay cả tóc rối cũng không bị xóa nhầm quá nhiều.
Trong điều kiện thiếu sáng, bạn sẽ cần tới chế độ ban đêm Night Mode. Bạn sẽ có hình ảnh ít bị bệt hơn về cả màu và độ sắc nét. Nhưng bạn sẽ phải giữ máy ổn định trong 4 giây để có độ phơi sáng tốt nhất nhé.
Camera góc cực rộng
Nhìn chung camera góc siêu rộng tái hiện hình ảnh khá tốt nhưng chất lượng vẫn chưa cao. Như hình trên bạn có thể thấy chi tiết ở vùng cây rất ít và rất bệt. Nó sẽ cần rất nhiều ánh sáng để có thể tạo ra hình ảnh đẹp.
Camera trước
Điện thoại trang bị camera selfie 16 MP, f / 2.0, 1 / 3.06, 1.0µm. Đây là điểm mạnh thường thấy ở điện thoại Oppo với khả năng chụp selfie tốt, kèm theo đó là chế độ làm đẹp bật tự động. Da mặt chủ thể được tái tạo khá tự nhiên, màu da được nâng tông khá đáng kể nhưng không bị làm mờ tới mất tự nhiên.
Nó cũng có thể chụp xóa phông mặc dù không có hỗ trợ của cảm biến chiều sâu. Tách chủ thể và làm mờ background khá tốt .
Quay video
Tuổi thọ pin
Điện thoại trang bị viên pin lớn tới 5000 mAh ở định dạng Li-Po không thể tháo rời. Với viên pin này bạn có thể sử dụng thoải mái cả ngày dài làm việc mà không lo hết pin giữa chừng. Hơn nữa nếu nhu cầu của bạn không quá cao, có thể tới 2 ngày bạn mới phải sạc pin một lần.
Điện thoại đi kèm với cục sạc nhanh 18W với cổng sạc USB type C cho tốc độ sạc khá nhanh. Bạn sẽ cần hơn 2 giờ để sạc đầy cho viên pin lớn như thế này.
Ngoài ra điện thoại này còn có tính năng sạc ngược cho thiết bị khác nhưng bạn cần có đầu kết nối chuyên dụng và cài đặt OTG.
So sánh với đối thủ
Để cạnh tranh được với các đối thủ xứng tầm trong phân khúc này, Oppo A92 vẫn còn nhiều thứ phải làm. Chúng ta sẽ có một danh sách dài những lựa chọn khác, nhưng ở đây mình sẽ nhắc tới 3 đối thủ lớn.
Đối thủ đầu tiên là Xiaomi với chiếc Redmi Note 9 Pro có giá cao hơn chút xíu nhưng bạn sẽ nhận lại khá nhiều thứ. Đầu tiên là nó được hoàn thiện 2 mặt kính sang trọng hơn, chắc chắn hơn. Tiếp đó là một màn hình lớn hơn và bộ xử lý mạnh mẽ hơn với Snapdragon 720G thoải mái chơi game. Tiếp tục là camera với ống kính chính 64MP và có thêm camera macro 5MP chuyên nghiệp hơn, hình ảnh tạo ra đều tốt hơn. Pin được đầu tư ở mức 5020 mAh và sạc nhanh lên tới 30W.
Tiếp theo chính là Realme 6 với cùng phiên bản bộ nhớ 6GB/128GB rẻ hơn một chút. Cả hai chiếc điện thoại có màn hình tương đương nhau nhưng Realme 6 lại có tốc độ làm mới 90Hz vượt trội hơn. Chipset được đánh giá tương đương nhau. Camera chính 64MP cùng ống kính macro là lợi thế lớn của Realme 6. Cuối cùng Realme 6 có viên pin nhỏ hơn chỉ 4300 mAh nhưng đổi lại nó có sạc nhanh 30W.
Cuối cùng là Samsung Galaxy A51 với mức giá rẻ hơn khá nhiều. Nó có một màn hình có kích thước tương đương nhưng sử dụng công nghệ AMOLED giúp tái tạo hình ảnh rực rỡ hơn, sáng hơn và tương phản tốt hơn. Chipset Exynos 9611 (10nm) mạnh mẽ hơn. Camera tương đương nhưng có thêm ống kính macro 5MP chuyên nghiệp hơn và hình ảnh chụp ban đêm tốt hơn. Điểm yếu lớn nhất của Galaxy A51 chính là pin của nó chỉ có 4000 mAh và chỉ có sạc nhanh 15W mà thôi.
Giá và địa chỉ bán
Kết luận
Oppo A92 là một chiếc điện thoại tầm trung giá rẻ mới mẻ của Oppo với mức giá trên dưới 6.5 triệu đồng. Nó có thiết kế khá đẹp với hiệu ứng nổi 3D. Nó rất phù hợp cho những bạn trẻ năng động nhưng không thích chơi game hoặc chỉ chơi để giải trí mà thôi. Nhìn chung điện thoại này không được đánh giá qua cao với những lời khen có cánh, nhưng nó hoàn thành tốt những công việc của mình. Tất nhiên để phù hợp với những yêu cầu của bạn thì mình có những lựa chọn khác đã so sánh ở trên. Hãy chọn theo yêu cầu của bản thân nhé!