Lenovo Yoga Book C930 được trang bị màn hình E-ink thay thế cho bàn phím, được coi là sự dung hợp giữa laptop, máy tính bảng và máy đọc sách e-reader. Trên đó, bạn có thể chuyển chữ viết của mình thành text, hay vẽ trên thiết bị toàn diện này. Máy được thiết kế dựa trên thế hệ trước từ năm 2016 nhưng có rất nhiều thay đổi và cải tiến, ví dụ như hiệu năng tốt hơn chẳng hạn.
Chiếc Lenovo Yoga Book đầu tiên được giới thiệu vào năm 2016, thiết bị thu được nhiều sự chú ý nhờ thiết kế độc đáo: Thay vì trang bị bàn phím, máy sở hữu màn hình 360º, kết hợp với màn hình cảm ứng phần thân máy. Màn hình này có thể sử dụng như bàn phím ảo hay bảng vẽ, người dùng có thể cắt hình ảnh, ghi chú hay vẽ bằng bút stylus. Tất cả các nhập liệu của người dùng sẽ được số hóa.
Thiết bị Lenovo Yoga Book C930 mới không còn được trang bị màn hình cảm ứng nữa, thay vào đó là màn hình E-ink độ phân giải 1080p. Màn hình E-ink có thể được sử dụng để soạn thảo, vẽ, viết hay đơn giản là máy đọc sách tiết kiệm năng lượng.
Chiếc máy khá độc đáo, khó có thể so sánh với bất kỳ laptop hay máy tính bảng nào khác. Tuy nhiên mình sẽ vẫn lựa chọn một số laptop lai tablet làm đơn vị so sánh: Microsoft Surface Pro (2017), Huawei Matebook E, Lenovo ThinkPad X1 Tablet.
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là thông số kỹ thuật của chiếc laptop Lenovo Yoga Book C930 YB-J912F được sử trong bài đánh giá này:
CPU | Intel Core i5-7Y54 |
GPU | Intel UHD Graphics 615 |
RAM | 4 GB |
Ổ cứng | Toshiba KBG30ZMT256G, 256 GB |
Màn hình | IPS, 10.8 inch, tỷ lệ 16:9 2560 x 1660 pixel 283 PPI, cảm ứng điện dung, hỗ trợ bút cảm ứng. |
Cổng kết nối | 2 USB 3.0 / 3.1 Gen1, Card Reader: microSD |
Kết nối không dây | Intel 8265 Tri-Band WiFi (Oak Peak) Network Adapter (a/b/g/n = Wi-Fi 4/ac = Wi-Fi 5), Bluetooth 4.2, LTE |
Hệ điều hành | Microsoft Windows 10 Home 64 Bit |
Pin | 36 Wh |
Kích thước (Cao x Rộng x Dài) | 9.9 x 261 x 179 mm |
Trọng lượng | 778 kg |
Đánh giá laptop Lenovo Yoga Book C930 YB-J912F
Thiết kế
Lenovo đã lựa chọn chất liệu trên thiết bị 3 in 1 của mình là hợp kim nhôm và magie. Bề mặt chống trơn trượt mang tới độ bám tốt, thậm chí có người còn cảm giác hơi dính. Nhìn chung, chiếc máy trông khá giống một tác phẩm điêu khắc từ một khối kim loại. Phần nắp trên màn hình và phần thân máy có độ dày ngang nhau. Vì đã bỏ đi bàn phím vật lý, nên kích thước tổng thể của máy rất mỏng và hẹp. 2 màn hình gập lại với nhâu gần như liền mạch, bản lề được thiết kế lại khá bắt mắt. Về cơ bản, bản lề của máy được thiết kế bằng nhiều bánh răng quay ngược nhau cho khả năng mở góc màn hình lên tới 360 độ.
Mặc dù nhờ chất liệu và thiết kế bên ngoài làm cho máy trông có vẻ rất cứng cáp. Nhưng trên thực tế, mình cảm giác máy rất nhạy cảm với tác động lực ở bên ngoài. Khi thử xoắn vặn, máy khá dễ bị cong vênh, phát ra những tiếng lạ làm mình e ngại sẽ ảnh hưởng tới 2 màn hình bên trong máy. Nhìn chung bạn nên tránh va chạm hay làm rơi máy là tốt nhất.
Dĩ nhiên, Lenovo Yoga Book C930 hoàn toàn có thể sử dụng như một chiếc notebook. Mặc dù hơi khó khăn trong việc mở máy vì khoảng cách hẹp, cũng như có nam châm để giữ 2 màn hình lại với nhau. Khả năng gõ là đủ để bạn sử dụng. Để mở nắp màn hình, bạn chỉ cần gõ 2 lần bằng ngón tay, sau đó nắp màn hình sẽ mở ra. Hay cách khác là giữ nút “giảm âm lượng” để mở máy.
Bên trong gồm có: Màn hình cảm ứng phía trên, màn hình e-ink phủ kính bên dưới có tích hợp cảm biến vân tay góc trên cùng bên phải.
Cổng kết nối
Hệ thống cổng kết nối của máy khá hạn chế, giống với thế hệ trước. Lenovo có thay đổi một số điểm nhỏ, như bỏ cổng mini-HDMI, thay đầu đọc thẻ Micro-SD bằng 2 cổng USB C. Hiện nay, tất cả các máy đều phải có USB C, là một cổng có thể đảm nhiệm nhiều chức năng như cổng nguồn, cổng kết nối thiết bị ngoại vi, cổng xuất hình ảnh.
Lenovo Yoga Book C930 thực sự giống một chiếc tablet, nó không có cổng tai nghe 3.5mm, nên bạn phải kết nối qua cổng USB. Những người đã quen sử dụng laptop truyền thống chắc chắn sẽ không hài lòng về hệ thống cổng kết nối hạn chế này.
Các cạnh của máy:
Khả năng bảo trì, nâng cấp
Máy giống một chiếc tablet hơn là notebook. Nên khả năng nâng cấp, đơn giản là không có.
Thiết bị đầu vào
Bàn phím
Thay vì sở hữu bàn phím vật lý, Yoga Book sở hữu màn hình E-ink độ phân giải 1080p có thể hiện bàn phím ảo. Có 2 bố cục bàn phím là “Classic” và “Modern”. Dĩ nhiên là trải nghiệm gõ phím sẽ không giống với bàn phím thông thường, phản hồi phím chỉ có rung và tiếng click khi bạn gõ vào. Phản hồi phím có thể tắt đi trong cài đặt. Thiết kế trên màn hình 11 inch không đủ không gian cho bàn phím nên các phím sẽ có phần nào nhỏ hơn thông thường.
Theo Lenovo, khả năng nhập liệu được nâng cấp và tối ưu bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Nhờ đó, trải nghiệm nhập liệu được tăng khoảng 22% so với thế hệ trước. Phản hồi phím được thiết kế khá phù hợp khi gõ phím. Tuy nhiên, nếu bạn cần nhập liệu trong một thời gian dài thì việc kết nối bàn phím rời là điều hợp lý hơn.
Điểm nổi bật khác của màn hình E-ink là bản thân nó không có đèn nền. Bàn phím rất dễ nhận đọc dưới ánh sáng ban ngày, khó hơn khi ở môi trường tối.
Touchpad
Touchpad được hiển thị cùng bàn phím không quá ấn tượng. Kích thước rất nhỏ, bạn sẽ dễ dàng di chuột ra ngoài vùng touchpad. Thậm chí là gõ nhầm vào phím ở phía bên trên.
Khi dùng bố cục “modern”, touchpad sẽ sử dụng chung khoảng không gian với phím Space, mang lại không gian thoải mái hơn tuỳ vào từng trường hợp. Bạn sẽ phải nhấp vào nút tròn phía dưới phím space để hiện touchpad. Sau đó khi bạn nhấp một nút bất kỳ, phim space sẽ hiện ra. Nếu bạn dùng bố cục “Classic”, touchpad sẽ luôn được hiện nhưng kích thước bé hơn nhiều.
Ngược lại, trải nghiệm trượt cũng như phải hồi của touchpad khá tốt.
Trải nghiệm màn hinh E-ink
Bạn có thể lựa chọn dạng hiện thị của màn hình E-ink bằng tuỳ chọn phía trên cùng của màn hinh. Màn hình E-ink không chỉ có thể hoạt động dưới dạng bàn phím, mà nó hoạt động dưới dạng màn hình đọc sách e-reader hoặc bảng vẽ bằng bút. Nếu bạn chọn nhập liệu bằng bút, màn hình sẽ hiển thị một trang trắng cùng một số tuỳ chọn. Bạn có thể viết hoặc vẽ trên đó băng bút hoặc ngón tay. Màn hình có thể phân biệt được 4096 mức độ lực, chuyển nó thành thông tin.
Màn hình cảm ứng
Yoga Book có khá nhiều tuỳ chọn về phương pháp nhập liệu. Ngoài bàn phím, touchpad, bút dành cho màn hình E-ink, màn hình chính của máy cũng hộ trợ cảm ứng. Trải nghiệm cảm ứng bằng ngón tay trên màn hình chính rất tốt. Cảm giác trượt nhẹ nhàng, màn hình nhạy không có độ trễ. Nếu muốn, bạn cũng có thể sử dụng bút trên màn hình
Màn hình
Thông số chính
- Công nghệ IPS
- Kích thước: 10.8 inch
- Độ phân giải: 2560 x 1660 pixel
- Độ sáng tối đa: 364 cd/m², trung bình: 338 cd/m². Tỷ lệ phân bố độ sáng: 87%
- Tỷ lệ tương phản: 1526:1. Giá trị màu đen: 0.23 cd/m²
- ΔE màu: 4.59
- Phần trăm không gian màu: 100% sRGB và 74% AdobeRGB
Khả năng nhìn ngoài trời, góc nhìn
Giá trị màu đen sâu cùng độ tương phản cao cho phép máy hiển thị tốt ngoài trời. Tuy nhiên, vẫn có đâu đó hiện tượng phản chiếu hình ảnh môi trường xung quanh vì nhà sản xuất lựa chọn màn hình kính cho khả năng hiển thị màu sắc mạnh mẽ hơn. Để sử dụng tốt ngoài trời, bạn nên dùng máy trong bóng râm và nhìn màn hinh bằng góc trực diện.
Sử dụng tấm nền IPS nên góc nhìn của máy khá rộng. Bạn dường như sẽ không cảm nhận được bất kỳ khác biệt nào từ mọi góc nhìn. Ngay cả ở những góc hẹp nhất, màn hình của máy vẫn cực kỳ dễ nhìn.
Hiệu năng
Phiên bản máy mình sử dụng trong bài viết này có cấu hình gồm Intel Core i5-7Y54, SSD 256 GB, có hỗ trợ LTE. Máy không có GPU chuyên dụng mà sử dụng Intel HD Graphic 615.
Hiệu năng CPU
Bộ vi xử lý đã được nâng cấp so với thế hệ trước chỉ sử dụng Intel Atom. Đây là bộ vi xử lý 2 nhân hỗ trợ công nghệ siêu phân luồng Hyper-Threading, GPU tích hợp Intel HD Graphics 615. Xung nhịp cơ bản từ 1.2 đến 3.2 GHz. Cả 2 nhân có thể Turbo lên 2.8 GHz. Bộ vi xử lý này được thiết kế cho tablet, kết hợp công nghệ làm mát thụ động, điện năng tiêu thụ và toả nhiệt thấp. Chính vì vậy, chúng ta không nên quá kỳ vọng vào hiệu năng của Lenovo Yoga Book C930.
Trong 30 phút bài kiểm tra vòng lặp Cinebench R15, chiếc Yoga Book cho hiệu năng đa nhân khá ấn tượng. Điểm số vào hơn 230 ở lần chạy đầu tiên, nhưng không thể giữ được ổn định từ những vòng sau. Do nhiệt độ tăng, CPU phải giảm xung nhịp xuống, điểm benchmark giảm xuống còn 200 điểm. Tương tự như những đối thủ là Surface hay Matebook.
Hiệu năng của thiết bị không bị thay đổi khi dùng pin. Hiệu năng của máy khá tốt khi so sánh với các thiết bị khác. Nó mạnh mẽ hơn 75% (multi CPU) và 222% (Single CPU) so với thế hệ trước. Hiệu năng so sánh gần như ngang ngửa với các đối thủ của mình.
Hiệu suất chung của hệ thống
Thiết bị hoàn toàn dễ dàng đánh bại thế hệ trước trong bài kiểm tra hiệu năng hệ thống. Tuy nhiên nó chỉ ở mức trung bình so với những chiếc laptop lai tablet. Dựa trên kết quả bài test, hiệu năng của máy thấp hơn khoảng 10 – 50% so với những chiếc laptop khác. Tuy nhiên, với mức RAM là 8 GB cùng SSD tốc độ cao, hiệu năng sử dụng hàng ngày vẫn được đảm bảo.
Hiệu suất GPU
Lenovo Yoga Book chỉ được trang bị GPU tich hợp. Intel HD Graphics 615 đã có vài năm tuổi, GPU không có bộ nhớ trong riêng mà dùng chung RAM với hệ thống. Thiết bị dường như không thể chơi game được nhưng vẫn có thể phát video 4K/H.265 mượt mà.
Hiệu suất ổ cứng
SSD tới từ Toshiba có tốc độ hoàn toàn tốt, nó không hề là nguyên nhân dẫn đến hiệu năng kém của thiết bị. Tốc độ truyền tải tệp tin ở mức tốt, nhanh hơn khoảng 10% đến 30% so với các đối thủ.
Khả năng chơi game
Tuy được trang bị CPU mới hơn, GPU tốt hơn thế hệ trước, nhưng Yoga Book vẫn không hoàn toàn thích hợp dành cho gaming. Những game nhẹ, không yêu cầu cấu hình cao vẫn có thể chơi được. Những game cũ vẫn có thể chơi ở độ phân giải cùng chất lượng hình ảnh thấp.
Tiếng ồn, nhiệt độ
Tiếng ồn
Thiết bị sử dụng hệ thống tản nhiệt thụ động và không có quạt tản nhiệt. Vì vậy, máy không hề phát ra tiếng ồn. Mình cũng không phát hiện ra tiếng động lạ nào từ bên trong máy.
Nhiệt độ
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ nhàn rỗi vào khoảng: 27 độ C
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ tải nặng tối đa vào khoảng: 42 độ C
Nhiệt độ của thiết bị nhìn chung khá thấp. Máy có nóng hơn một chút so với thế hệ trước nhưng bù lại hiệu năng được cải thiện rất nhiều. Là một chiếc laptop 3 in 1, máy hoàn toàn không phù hợp với những tác vụ nặng. Khi tải ở mức độ trung bình, nhiệt độ của máy dao động xung quanh 28ºC. Chỉ khi tải ở công suất tối đa, nhiệt độ mới lên tới 40ºC. Dù vậy, phần chiếu kê tay luôn mát ở bất cứ trạng thái nào.
Biểu đồ nhiệt độ của máy khi ở chế độ tải nặng:
Loa ngoài
Thông thường, chúng ta sẽ không bao giờ kỳ vọng vào một bộ loa mạnh mẽ, bass sâu và khoẻ từ một chiếc laptop lai tablet cả. Ít ra thì âm thanh của máy cũng khá cân băng dù âm lượng hơi nhỏ. Nhìn chung, âm thanh của máy thật sự không ấn tượng. Nếu muốn trải nghiệm âm thanh tốt hơn, bạn nên sử dụng tai nghe hoặc loa ngoài. Điều đáng buồn là máy không có cổng âm thanh 3.5 mm, nên bạn phải dùng cổng chuyển qua USB C.
Tuổi thọ pin
Trong bài kiểm tra của mình, máy có khả năng lướt web liên tục hay xem video liên tục khoảng 6 giờ 20 phút. Thời lượng pin ngắn nhất khi tải tối đa vào khoảng 1.5 giờ. Khi so sánh với các đối thủ, thời lượng pin của máy thuộc mức trung bình khá. Pin của máy cần 3 giờ để sạc đầy.
Kết luận
Lenovo Yoga Book C930 mới được trang bị màn hình E-ink độc đáo. Thiết bị cực kỳ nhỏ, nhẹ, có thể sử dụng để vẽ, hay sử dụng như một chiếc notebook, tablet hoặc máy đọc sách e-reader. Tất nhiên, sự linh hoạt sẽ phải đánh đổi bằng một số điểm. Đầu tiên, máy không có bàn phím thực sự, bàn phím ảo không phù hợp với người cần soạn thảo thường xuyên cũng như không có đèn nền. Hệ thống cổng kết nối cũng rất hạn chế.
Thiết bị chính là minh chứng cho khả năng kết hợp nhiều chức năng vào trong một chiếc máy!