Tính năng vượt qua hình thức. Lenovo Legion Y530 đã nâng cấp rất nhiều từ phiên bản Y520 với thiết kế nhẹ nhàng hơn, giống dạng doanh nhân hơn và bổ sung vào đó những thành phần mới nhất. Với Core i5-8300H, GTX 1050 Ti và NVMe SSD, liệu Y530 có phải là dòng laptop gaming mới đáng để sở hữu?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ nhìn nhận rõ ràng hơn về chiếc Y530. Tiếp tục thừa kế điểm mạnh của thế hệ trước như bàn phím nhập liệu tốt, 2 lựa chọn lưu trữ, giá cả phải chăng và hiệu năng tốt. Chiếc Y530 có ngoại hình tiệm cận với sự chuyên nghiệp. Loại bỏ đi những thứ rườm rà, Lenovo tập trung vào các yếu tố cốt lõi là sức mạnh, công thái học và các tính năng. Dĩ nhiên, giá bán vẫn rất hợp lý chỉ gần 20 triệu tại thời điểm mình viết bài.
Thiết bị thử nghiệm của mình có cấu hình Intel Core i5-8300H, GPU NVIDIA GeForce GTX 1050 Ti, màn hình FHD mờ chống chói, SSD 128 GB NVMe/1TB. Đây hứa hẹn là sự lựa chọn đáng giá dành cho những game thủ di động tầm trung trở xuống.
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là thông số kỹ thuật của chiếc laptop Lenovo Legion Y530-15ICH được sử trong bài đánh giá này:
CPU | Intel Core i5-8300H |
GPU | NVIDIA GeForce GTX 1050 Ti (Laptop) - 4096 MB |
RAM | 8 GB |
Ổ cứng | Toshiba KBG30ZMT128G, 128 GB |
Màn hình | IPS, 15.6 inch, tỷ lệ 16:9 1920 x 1080 pixel 141 PPI, |
Cổng kết nối | 4 USB 3.0 / 3.1 Gen1, 1 HDMI, 1 DisplayPort, 1 Kensington Lock, Audio Connections: 3.5 mm combo |
Kết nối không dây | Intel Wireless-AC 9560 (a/b/g/n = Wi-Fi 4/ac = Wi-Fi 5), Bluetooth 5 |
Hệ điều hành | Microsoft Windows 10 Home 64 Bit |
Pin | 52.5 Wh |
Kích thước (Cao x Rộng x Dài) | 28 x 360 x 268 mm |
Trọng lượng | 2.342 kg |
Đánh giá laptop Lenovo Legion Y530-15ICH
Thiết kế
Mặc dù chỉ nhỏ hơn một chút về kích thước và cân nặng so với thế hệ trước, nhưng Lenovo Legion Y530 có một số điểm sáng về thiết kế rất đáng chú ý. Đầu tiên, phần benzel bao quanh màn hình đã được thu nhỏ lại chỉ còn 8 mm. Những điểm nhấn màu đỏ, đèn nền bàn phím của thế hệ trước đã không còn nữa. Nắp màn hình trước kia có kiểu dáng góc cạch, giống phong cách Alienware/Asus ROG nay đã được làm phẳng hoàn toàn. Chỉ còn một vài đường xoắn ốc tế nhị quanh chữ “O” trong “Legion”.
Độ ổn định của khung máy tốt, sự cong vênh gần như là tối thiểu mặc dù cấu trúc của máy chủ yếu là bằng nhựa. Nhất là trên bề mặt cứng, Legion Y530 được hỗ trợ đáng kể bởi chân đế cao su dài nằm ngang. Chỉ có vùng trung tâm của máy bị cong đôi chút. Thay thế phần bản lề rộng ở trung tâm, chúng ta có 2 bản lề nhỏ gần 2 cạnh. Khe gió tản nhiệt cũng được rời vị trí từ trung tâm của cạnh sang phần gần với góc màn hình, tạo điều kiện cho khả năng tản nhiệt tốt hơn. Bên dưới thân máy cũng có một cửa hút gió lớn, khi đó luồng không khí từ 2 bên máy sẽ được chuyển hướng vào các quạt lớn hơn theo chiều ngang.
Cổng kết nối
Hệ thống cổng kết nối phong phú được bố trí phần lớn ở cạnh sau của máy, chỉ còn một số ít cổng được đặt ở 2 bên cạnh (2 cổng USB và cổng âm thanh). Phần còn lại nằm ở phía sau gồm có 2 cổng USB (1 cổng Type C), HDMI, mini-DisplayPort và cổng sạc. Dù đa số người sử dụng đều thấy ổn với cách bố trí cổng kết nối phía sau, nhưng khe gió tản nhiệt ở 2 bên lại đẩy các cổng vào gần nhau hơn, làm các cổng có giắc cắm to không thể cắm gần nhau. Hình ảnh bên dưới sẽ mô tả rõ hơn cách bố trí của các cổng.
Các cạnh của máy:
Khả năng bảo trì, nâng cấp
Nắp dưới của máy được cố định bằng 11 con ốc Philips, khi tháo nắp ra, bạn cần chú ý để không làm hỏng các lẫy nhựa phía trong khi đi vòng quanh chu vi của máy. Bên trong, chúng ta dễ dàng tiếp cận được vào cả 2 bộ nhớ lưu trữ, RAM, bộ điều hợp mạng, pin cũng như quạt. RAM được bảo vệ phía sau một miếng kim loại mỏng, bạn nên cẩn thận để tránh làm vênh tấm bảo vệ này.
Thiết bị đầu vào
Bàn phím
Lenovo Legion Y530 trang bị bộ bàn phím có hành trình 1.7 mm khá thoải mái, điểm dừng của phím cũng khá mềm khiến một số người dùng phải làm quen với điều này. Khoảng cách cũng như sự bố trí các phím rộng rãi và thoải mái. Các ký tự được in rõ ràng và dễ nhìn. Tuy không có các phím chuyên dụng riêng, nhưng phím mũi tên có kích thước đầy đủ là một điểm cộng lớn. Chúng ta vẫn sẽ có bàn phím số, dù chiều ngang của phím được thu nhỏ lại một chút.
Touchpad
Kích thước touchpad thuộc dạng nhỏ (100 x 51 mm), nhưng hệ thống điều hướng rất nhanh và chính xác nhờ Precision Touchpad driver. Bạn sẽ có 2 nút vật lý riêng biệt phía bên dưới, tiếng kêu khá to cũng như hành trình phím còn nông. Bản thân mình vẫn thích clickpad tích hợp phím phía nửa dưới của touchpad hơn.
Màn hình
Thông số chính
- Công nghệ IPS
- Kích thước: 15.6 inch
- Độ phân giải: 1920×1080 pixel
- Độ sáng tối đa: 282.8 cd/m², trung bình: 264.1 cd/m². Tỷ lệ phân bố độ sáng: 88%
- Tỷ lệ tương phản: 673:1 . Giá trị màu đen: 0.42 cd/m²
- ΔE màu: 4.93
- Phần trăm không gian màu: 57% sRGB và 36% AdobeRGB
Khả năng nhìn ngoài trời, góc nhìn
Góc nhìn của máy rộng, ổn định nhờ tấm nền IPS. Trong khi đó, việc sử dụng máy ngoài trời không thực sự thoải mái (trừ khi bạn dùng máy trong vùng nhiều bóng râm) vì độ sáng màn hình và độ tương phản khá yếu. Tấm phủ màn hình mờ cũng giúp phần nào hạn chế hiện tượng đổ bóng trên màn hình.
Hiệu năng
Lenovo Legion Y530 hiện đang được bán với rất nhiều cấu hình khác nhau, lên tới Core i7-8750H 6 nhân, 16 GB RAM, lựa chọn GTX 1050 hoặc GTX 1050 Ti.
Phiên bản thử nghiệm trong bài viết này có cấu hình Core i5-8300H, 8 GB RAM, GTX 1050 Ti. Đây là cấu hình thuộc tầm trung, có thể chơi tốt các game hiện nay mà không tốn quá nhiều kinh phí.
Hiệu năng CPU
Core i5-8300H trên chiếc Y530 của mình là bộ vi xử lý 4 nhân, có mức tiêu thụ điện năng tối đa là 45W. Hiệu năng rất tốt, dù thấp hơn một chút so với các bộ vi xử lý 6 nhân như Core i7-8750H và Core i9-8950HK. Tốc độ xung nhịp cơ bản từ 2.3 GHz đến 4 GHz (3.9 GHz khi kích hoạt cả 4 nhân), hỗ trợ công nghệ siêu phân luồng Hyper-Threading.
Hiệu năng CPU trên Lenovo Legion Y530 cao hơn một chút so với mức trung bình của các thiết bị cùng sử dụng CPU này. Tuy vậy, nó vẫn thấp hơn một chút khi so sánh với XPS 15. Điểm số Cinebench R15 đạt 818 điểm là khá cao so với mức trung bình của i5-8300H là 788 điểm.
Trong bài kiểm tra hiệu năng duy trì, điểm số chỉ giảm nhẹ từ 829 điểm xuống 804 điểm vào lần chạy thứ 7. Hiệu năng CPU trên Y530 là vượt trội hơn rất nhiều so với các đối thủ cùng sử dụng CPU i5-8300H.
Hiệu suất chung của hệ thống
Mặc dù cũng được trang bị SSD NVMe, nhưng Y530 gần như không thể theo kịp những người anh em cùng sử dụng NVMe. Theo kết quả PC Mark 10, điểm số 4812 không hề tệ nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mức trung bình của laptop gaming, thấp hơn 25% so với Alienware 15 R4. Ngay cả Dell G5 15 cũng có điểm số nhỉnh hơn một chút. Quá trình cài đặt ứng dụng và game thường sẽ lâu hơn một chút, nhưng gần như không có ảnh hưởng gì đáng kể khi sử dụng máy. Có thể vấn đề nằm ở tốc độ ghi dữ liệu là chính chứ không phải ở phần đọc dữ liệu SSD.
Hiệu suất GPU
GPU trên Legion Y530 – NVIDIA GeForce GTX 1050 Ti 4 GB đã được đánh giá khá nhiều. Hiệu năng đồ họa của Y530 nằm xung quanh mức trung bình của các máy cạnh tranh và cùng sử dụng GPU này. Điểm số lên tới 7740 trên 3DMark Fire Strike và 50387 trên Cloud Gate là khá hiển nhiên. Sức mạnh đồ họa của máy đủ để chạy đa số các game hiện nay ở chất lượng hình ảnh trung bình (Một số ở mức cao).
Khi mình thử chơi Witcher 3 Ultra, FPS và nhiệt độ được duy trì ổn định trong suốt quá trình chơi, ngay cả khi chuyển cảnh thay đổi khá nhiều hiệu ứng khác nhau.
Hiệu suất ổ cứng
Toshiba KBG30ZMT128G không phải là bộ lưu trữ ấn tượng khi so sánh với những người anh em NVMe. Nó thuộc nhóm chậm nhất, với tốc độ ghi đặc biệt kém. Tốc độ đọc thì khá hơn nhiều nhưng vẫn dưới mức trung bình cho một ổ NVMe. Về mặt chủ quan, thì sự khác biệt về tốc độ chỉ được nhận thấy ở các tác vụ nặng như cài đặt chương trình.
Ngoài ra, chiếc máy của mình còn có một HDD 1TB 7200RPM, vì vậy dung lượng để lưu trữ là rất thoải mái.
Khả năng chơi game
Như dự tính từ trước, Lenovo Legion Y530 đủ mạnh mẽ để xử lý mượt mà hầu hết các game hiện nay ở mức đồ họa trung bình, độ phân giải tiêu chuẩn Full HD.
Tiếng ồn, nhiệt độ
Tiếng ồn
Khi nhàn rỗi, Y530 về cơ bản là im lặng hoàn toàn, chỉ có một chút tiếng động nhỏ. Khi dưới tải, mức độ ồn trung bình vẫn khá thấp chỉ 34.9 dB(A), cao hơn khoảng 6,9 dB(A) so với mức tiếng ồn của môi trường. Khi tải tối đa, có lúc giá trị tiếng ồn của quạt lên tới 49,6 dB(A) nhưng không thường xuyên.
Nhiệt độ
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ nhàn rỗi vào khoảng: 32 ºC
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ tải nặng tối đa vào khoảng: 52 ºC
Thiết bị làm tốt nhiệm vụ quản lý nhiệt độ, giá trị nhiệt độ khi nhàn rỗi chỉ cao hơn một chút so với nhiệt độ môi trường là 27.4 ºC. Khi dưới tải, máy vẫn mát hơn khá nhiều các đối thủ cạnh tranh. Nhiệt độ trung bình ghi lại được ở mặt trên/dưới là 31.9 ºC / 35.9 ºC (nhiệt độ môi trường 22 ºC). Điểm nóng cao nhất là 42.8 ºC/ 52 ºC. Hệ thống tản nhiệt tốt hơn nhờ 2 quạt giờ lớn hơn trước khá nhiều, cho phép điều nhiệt hiệu quả hơn cho cả GPU và CPU. Khe hút gió lớn, rộng rãi cung cấp luồng khí thoải mái, không bị cản trở.
Biểu đồ nhiệt độ của máy khi ở chế độ tải nặng:
Loa ngoài
Lenovo Legion Y530 trang bị 2 loa ngoài ở phía trước bên dưới, chất âm lớn, ổn với độ tuyến tính trung bình, dải âm trung và cao cân bằng. Tuy nhiên, dễ thấy là âm thanh thiếu hẳn đi âm trầm. Khi mở âm lượng tối đa, âm thanh bị méo cũng như vang một chút, nhưng chỉ một chút thôi. Nhìn chung, chất lượng âm thanh không tệ, đáp ứng tốt được đa số các nhu cầu.
Tuổi thọ pin
Dung lượng pin 52.5 Wh cung cấp thời lượng 4 giờ 5 phút cho bài kiểm tra duyệt web tiêu chuẩn. Đây là thời lượng pin thấp nhất trong số các ứng cử viên cạnh tranh trong bài viết.
Giá và địa chỉ bán
Kết luận
Lenovo Legion Y530 là sự lựa chọn khởi đầu tuyệt vời cho những ai đang cần tìm một chiếc laptop gaming cơ bản, có khả năng giải quyết tốt các nhu cầu mà không cần quá phô trương, hầm hố hay sang trọng. Thiết bị kế thừa triết lý trên chiếc Y520 năm ngoái, bằng cách loại bỏ những điểm màu sặc sỡ, thay thế bằng bảng màu trắng đen chuyên nghiệp hơn. Dù chỉ được trang bị GPU tầm thấp (GeForce GTX 1050 Ti), cũng như đơn thuần là Core i5-8300H 4 nhân. Hiệu năng của thiết bị vẫn có độ ổn định cao, nhiệt độ và tiếng ồn được kiểm soát tốt. Thiết bị hoàn toàn có thể xử lý được hầu hết các game ở mức cài đặt trung bình, độ phân giải cao.