Dell đã thành công trong việc chuyển thể chiếc XPS 13 đã rất thành công thành một chiếc laptop 2-in-1. Dell XPS 13 9365 2 in 1 giữ nguyên được rất nhiều giá trị cốt lõi bao gồm thiết kế và màn hình. Người dùng sẽ được thỏa mãn từ hiệu năng tới các tính năng theo nhiều cách khác nhau.
Dell đã từng kết hợp những chiếc bản lề 360º trên những chiếc laptop trước đây, bao gồm cả dòng Inspiron, nhưng nó vẫn còn khá cồng kềnh và không có giá trị sử dụng thực tế so với dạng notebook thông thường. Sự thành công của các dòng máy 13 inch nhỏ hơn như Lenovo Yoga 900/910, HP Spectre x360 13 hay Asus Zenbook Flip đã thúc đẩy hãng triển khai dòng XPS 13 rất thành công của mình thành dòng laptop 2-in-1. Đúng với cái tên XPS 13 2-in-1, Dell hướng tới tính linh hoạt ở nhiều chế độ trong khi vẫn thỏa mãn nhiều tính năng nhất có thể đã có trên dòng XPS 13 chính thống.
Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất trên Dell XPS 13 9365 2 in 1 chính là chuyển từ sử dụng bộ vi xử lý Kaby Lake U dùng hệ thống tản nhiệt có quạt sang dòng Y không có quạt tản nhiệt. Với mức độ tiêu thụ năng lượng ít hơn 1/3, thật khó để hi vọng hiệu năng của XPS 13 2-in-1 tương đương với XPS 13 9360. Vậy liệu rằng Dell XPS 13 9365 2 in 1 có tiến gần tới XPS 13 về hiệu năng thô, thời lượng pin, màn hình hay chất lượng tổng thể?
Hãy cùng tìm hiểu qua bài đánh giá chi tiết dưới đây!
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là thông số kỹ thuật của chiếc laptop Dell XPS 13 9365 2-in-1 được sử trong bài đánh giá này:
CPU | Intel Core i7-7Y75 |
GPU | Intel UHD Graphics 615 |
RAM | 8 GB |
Ổ cứng | oshiba NVMe THNSN5256GPUK, 256 GB |
Màn hình | IPS, 13.3 inch, tỷ lệ 16:9,1920 x 1080 pixel, 166 PPI, |
Cổng kết nối | 2 USB 3.1 Gen2, 2 Thunderbolt, 1 DisplayPort, Audio Connections: 3,5 mm, MicroSD |
Kết nối không dây | Intel Dual Band Wireless-AC 8265 (a/b/g/n = Wi-Fi 4/ac = Wi-Fi 5), Bluetooth 4.2 |
Hệ điều hành | Microsoft Windows 10 Home 64 Bit |
Pin | 46 Wh |
Kích thước (Cao x Rộng x Dài) | 13.7 x 304 x 199 mm |
Trọng lượng | 1.23 kg |
Đánh giá laptop Dell XPS 13 9365 2 in 1
Thiết kế
Thiết kế tổng thể của Dell XPS 13 9365 2 in 1, cảm giác cầm nắm cũng như vẻ đẹp bên ngoài khá tương đồng với bản XPS 13 tiêu chuẩn. Cả 2 thiết bị đều dùng nhôm là vật liệu chính bên ngoài, chiếu kê tay làm từ sợi carbon, góc cạnh phủ cao su cho trải nghiệm cầm nắm tốt ở chế độ tablet. Phần chữ ký InfinityEdge trên cả 3 cạnh của màn hình trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận của HP trên Spectre x360 13.
Máy dùng 2 bản lề nhỏ thay vì một bản lề rộng trên chiếc XPS 13 9360. Bản lề mới hoạt động tốt ngay cả ở góc tối đa 360º mà không hề gặp vấn đề xung đột nào cả. Màn hình tràn viền bằng kính có độ dày tương đương với thân máy. Chính vì vậy sự phân bố trọng lượng của thiết bị khá đều, mang lại trải nghiệm tốt hơn khi cầm máy ở chế độ tablet.
Chất lượng hoàn thiện của máy rất tuyệt vời, tất cả các góc cạnh, mối nối đều không có hiện tượng bị vênh. Phần màn hình thậm chí có độ cứng tương đương phần thân máy. Vì vậy dường như viền màn hình siêu mỏng trên chiếc Dell XPS 13 9365 2 in 1 không hề đi kèm những điểm yếu như chúng ta thường thấy. Nếu tác động lực xoắn vặn hay bẻ máy, mình chỉ thấy được một tiếng kêu cọt kẹt rất nhỏ, không cần phải lo lắng. Có thể điểm yếu nhất của hệ thống chính là khu vực giữa 2 bản lề ở màn hình và bàn phím. Khu vực đó dễ dàng bị võng khi tác động lực hơn khi so với XPS 13 truyền thống.
Cổng kết nối
Hệ thống cổng kết nối của thiết bị khá hạn chế, chỉ dừng lại ở 2 cổng USB Type C và cổng âm thanh 3.5 mm. Kể từ khi cổng USB Type C được dùng làm cổng sạc, thì người dùng chỉ còn 1 cổng duy nhất để sử dụng. Nếu so sánh, thì cả Yoga 910 và Spectre x360 13 đều có thêm một cổng USB A bên cạnh cổng USB C để gia tăng khả năng kết nối. Chuẩn Thunderbolt 3 chỉ được trang bị cho cổng USB phía bên cạnh phải.
Các cạnh của máy:
Khả năng bảo trì, nâng cấp
Nắp dưới của máy sử dụng cả ốc Philips và T5, vì vậy bạn cần tới 2 dụng cụ để tháo nắp dưới ra. Hơn nữa các cạnh của máy đều mỏng và sắc, vì vậy bạn phải rất cẩn thận và kiên nhẫn. Sau khi tháo được nắp dưới, chúng ta sẽ có thể tiếp cận được trực tiếp vào Pin, pin BIOS, CPU và khe SSD.
Thiết bị đầu vào
Bàn phím
Bàn phím có một số thay đổi về quan điểm thiết kế. Các nút PgUp và PgDn nay được đặt bên cạnh các phím mũi tên. Khoảng cách giữa các phím được giảm để kích thước các phím được rộng hơn. Tuy nhiên thì hành trình phím vẫn rất nông, phải hồi phím xốp hơn, nhẹ hơn XPS 13. Những phím xung quanh bộ phím chữ cái chính cho cảm giác mềm và không thật tay.
Touchpad
Touchpad có kích thước khá rộng 10.5 x 6 cm tương đương trên XPS 13. Bề mặt touchpad khá mượt và nhạy ngay cả ở cách góc cạnh và phần rìa ngoài. Khi di chuyển chuột ở tốc độ chậm đến rất chậm, không hề có hiện tượng nhảy chuột trên màn hình. Phần nửa dưới touchpad được tích hợp nút chuột, có hành trình ngắn và phản hồi khá mềm. Tiếng nhấp chuột nghe cũng khá chắc chắn và êm tai.
Màn hình
Thông số chính
- Công nghệ IPS
- Kích thước: 13.3 inch
- Độ phân giải: 1920×1080 pixel
- Độ sáng tối đa: 322.6 cd/m², trung bình: 305.9 cd/m². Tỷ lệ phân bố độ sáng: 91%
- Tỷ lệ tương phản: 1698:1. Giá trị màu đen: 0.19 cd/m²
- ΔE màu: 7.7
- Phần trăm không gian màu: 69.9% sRGB và 44.1% AdobeRGB
Khả năng nhìn ngoài trời, góc nhìn
Khả năng hiển thị ngoài trời của máy là chấp nhận được khi dùng trong bóng râm, nhờ độ sáng màn hình rất tốt. Hiện tượng đổ bóng nhẹ không gây nhiều khó chịu và có thể bỏ qua nhờ góc nhìn rất rộng của tấm nền IPS. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, màn hình trở nên khó nhìn hơn, màu sặc bị rửa trôi khá nhiều.
Hiệu năng
Chỉ có 2 cấu hình lựa chọn trên chiếc Dell XPS 13 9365 2 in 1 tại thời điểm mình viết bài này: Đó là Core i5-7Y54 và Core i7-7Y75. Phiên bản cao cấp i7 được đi kèm vPro, GPU tích hợp Intel UHD Graphics 615 nhanh hơn một chút, xung nhịp cơ bản và tối đa của CPU cũng nhanh hơn một chút so với i5-7Y54. Dung lượng RAM được lựa chọn từ 4 GB đến 16 GB hàn vào bảng mạch. SSD có thể thay thế dung lượng từ 128 GB đến 512 GB.
Hiệu năng CPU
Bộ vi xử lý Kaby Lake Y mới khá tương đồng với Skylake Y cả về cấu trúc và hiệu năng. Điểm khác biệt là không nhiều, như ta thấy Kaby Lake 7-7Y75 nhanh hơn một chút so với Skylake m7-6Y75. Bài kiểm tra CineBench cho thấy sự chênh lệch này vào khoảng 14% trên hiệu năng đơn nhân. Bộ vi xử lý này có các điểm số tương đương hiệu năng của i5-7200U, con số khá ấn tượng cho một bộ vi xử lý sử dụng hệ thống tản nhiệt thụ động. Dell đã thông báo rằng hãng cho phép thiết bị XPS 2-in-1 của mình có thể chạy vượt quá giới hạn TDP 4,5 W để có hiệu năng mạnh mẽ hơn.
Hiệu năng đa luồng từ i7-7Y75 không đạt kết quả như kỳ vọng vì ngay cả m7-6Y75 cũ cũng cho đầu ra vượt trội hơn khoảng 10%. Trên thực tế, XPS 13 9360 với i7-7200U có hiệu năng nhanh hơn đáng kể tới 23%.
Hiệu suất chung của hệ thống
PCMark 8 xếp hạng Dell XPS 13 9365 2 in 1 tương đương với những notebooks sử dụng bộ vi xử lý ULV như Spectre x360 13 và Zenbook UX310UQ dù thiết bị tới từ Dell mang bộ vi xử lý yếu hơn Core i7-7Y75.
Trên thực tế, phản hồi của hệ thống là rất nhanh khi điều hướng cũng như khởi chạy ứng dụng nhờ SSD tốc độ cao. Những chương trình nặng hơn như Photoshop hay game cần nhiều thời gian khởi chạy hơn khi so sánh với những Ultrabook khác. Trải nghiệm sử dụng mượt mà, không có lỗi tới từ phần mềm cũng như phần cứng.
Hiệu suất ổ cứng
Dell XPS 13 9365 2 in 1 được trang bị cùng ổ SSD 256GB Toshiba NVMe như trên XPS 13 9360. Kết quả kiểm tra tốc độ đọc ghi là tương đương giữa hai thiết bị. Chính vì vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm về hiệu năng của máy. Chúng ta sẽ không có lựa chọn bộ nhớ lưu trữ kép.
Hiệu suất GPU
Kết quả hiệu năng GPU theo 3DMark cho thấy: Intel UHD Graphics 615 mạnh hơn HD Graphics 520 trên Skylake i5-6200U nhưng vẫn thấp hơn Intel UHD Graphics 620 trên Kaby Lake i7-7500U và GeForce 940MX. Hiệu năng tổng thể khá thấp, đặc biệt khi đi kèm với hệ thống tản nhiệt thụ động.
Khả năng chơi game
Hiệu năng GPU ở tầm thấp dường như không đủ sức để chơi các tựa game 3D hiện nay, ngay cả ở độ phân giải và chất lượng hình ảnh thấp. Thậm chí vì chỉ sử dụng hệ thống tản nhiệt thụ động, hiệu năng GPU duy trì còn bị bóp lại và giảm dần theo thời gian.
Tiếng ồn, nhiệt độ
Tiếng ồn
Thiết bị sử dụng hệ thống tản nhiệt thụ động, nên không hề có tiếng ồn tới từ quạt tải nhiệt. Máy hoạt đông hoàn toàn yên tĩnh.
Nhiệt độ
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ nhàn rỗi vào khoảng: 26ºC
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ tải nặng tối đa vào khoảng: 48ºC
Nhiệt độ bề mặt máy khi nhàn rỗi ấm hơn đa số các notebook hiện nay. Điểm nóng nhất lên tới 26 ºC trong khi nhiệt độ phòng là 20 ºC. Khi tải tối đa, điểm gần CPU có thể nóng lên tới 50 ºC. Phần mặt trên của chiếu kê tay và bàn phím vẫn khá thoải mái, không có hiện tượng quá nhiệt tới mức không thể sử dụng được.
Biểu đồ nhiệt độ của máy khi ở chế độ tải nặng:
Loa ngoài
Âm lượng của loa tương đương với loa trên XPS 13. Chất lượng âm thanh không được tốt. Âm trầm bị thiết và âm cao cũng không được đồng đều. Khi mở âm lượng tối đa, chất âm không bị méo cũng như bị vang.
Tuổi thọ pin
Dung lượng pin của máy nhỏ hơn so với những thiết bị cạnh tranh cũng như ngay cả XPS 13. Tuy nhiên thời lượng sử dụng pin vẫn rất ổn nhờ CPU tiêu thụ điện năng thấp và hệ thống tản nhiệt thụ động. Bạn có thể sử dụng máy lên tới 11.5 h khi lướt web, nhiều hơn con số 9h trên HP Spectre 13 và 11h trên Yoga 910. Khi sử dụng ở công suất và độ sáng màn hình tối đa, máy hoạt động được liên tục trong 3h.
Máy có thể sạc qua cả 2 cổng USB C, thời gian sạc vào khoảng 2h từ khi cạn pin đến khi đầy.
Giá và địa chỉ bán
Kết luận
Đâu là điểm khác nhau giữa XPS 13 và phiên bản Dell XPS 13 9365 2 in 1 nhỏ gọn và linh hoạt hơn?
- Thứ nhất: XPS 13 có viền dày và cứng hơn ở xung quanh
- Thứ hai: XPS 13 có cả USB A và đầu đọc thẻ MicroSD
- Thứ ba: Bàn phím của XPS 13 có phản hồi tốt hơn
- Thứ tư: Hiệu năng của XPS 13 cũng mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, XPS 13 2-in-1 lại là chiếc laptop lai tablet cho trải nghiệm tốt nhất hiện nay, nhỏ gọn và nhẹ hơn so với những đối thủ mới nhất từ Lenovo hoặc HP. Thiết kế InfinityEdge cực kỳ đẹp và những yếu tốt quan trọng khác như màn hình, SSD, thời lượng pin cũng như chất lượng hoàn thiện đều tương đương với XPS 13.