Dòng Latitude 5000 tầm trung của Dell mới gần đây đã được trang bị bộ vi xử lý Coffee Lake-H và GPU chuyên dụng. Dell Latitude 5491 có màn hình 14 inch, CPU 45W, GPU chuyên dụng GeForce mang lại hiệu năng vượt trội so với bộ vi xử lý ULV. Tuy nhiên hiệu năng mạnh mẽ sẽ tạo ra nhiều nhiệt hơn cũng như tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.
Được Dell quảng cáo là “công cụ 14 inch năng suất, mạnh mẽ”, Dell Latitude 5491 là bản cập nhật của dòng Latitude 5490 tầm trung dành cho doanh nhân. Thiết bị thử nghiệm của mình được trang bị bộ vi xử lý 6 nhân i7-8850H, 16 GB RAM, 512 GB SSD cùng với GPU Nvidia GeForce MX130 thay vì GPU tích hợp.
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là thông số kỹ thuật của chiếc laptop Dell Latitude 5491 được sử trong bài đánh giá này:
CPU | Intel Core i7-8850H |
GPU | Nvidia GeForce MX130 |
RAM | 16 GB |
Ổ cứng | Toshiba XG5 KXG50ZNV512G, 512 GB |
Màn hình | IPS, 14 inch, tỷ lệ 16:9, 1920 x 1080 pixel 157 PPI. |
Cổng kết nối | 3 USB 3.0 / 3.1 Gen1, 1 USB 3.1 Gen2, 1 Thunderbolt, 1 HDMI, 1 DisplayPort, 3.5 mm, cảm biến vân tay, đọc thẻ SD, Smartcard |
Kết nối không dây | Intel Wireless-AC 9560 (a/b/g/n = Wi-Fi 4/ac = Wi-Fi 5), Bluetooth 5.0 |
Hệ điều hành | Microsoft Windows 10 Pro 64 Bit |
Pin | 68 Wh |
Kích thước (Cao x Rộng x Dài) | 20.3 x 333.4 x 228.9 mm |
Trọng lượng | 1.788 kg |
Đánh giá laptop Dell Latitude 5491
Thiết kế
Thiết bị mới gần như không có sự thay đổi nhiều so với 5490 về thiết kế, cấu trúc khung máy. Vì vậy những phần thông thường mình sẽ bỏ qua và tập trung vào sự thay đổi về phần cứng cũng như hiệu năng. Để biết thêm thông tin về thiết kế, thiết bị nhập liệu, mời các bạn xem bài đánh giá Dell Latitude 5490 trước đó nhé.
Dù cả chiều rộng cũng như chiều dày thay đổi một chút, thì thiết bị mới của chúng ta vẫn khá nặng, ở mức 1790g. Con số 90g nặng hơn so với thế hệ trước không phải là đáng ngại. Vì sử dụng CPU cùng GPU rời mạnh mẽ, nên Dell trang bị cho 5491 bộ sạc 130W lớn hơn.
Cổng kết nối
Điểm nâng cấp đáng giá so với thế hệ trước chính là chuẩn kết nối Thunderbolt 3 nay đã xuất hiện. Hỗ trợ truyền dữ liệu với tốc độ cực cao lên tới 40 Gbit/s.
Màn hình
Thông số chính
- Công nghệ IPS
- Kích thước: 14 inch
- Độ phân giải: 1920×1080 pixel
- Độ sáng tối đa: 218.7 cd/m², trung bình: 195.9 cd/m². Tỷ lệ phân bố độ sáng: 82%
- Tỷ lệ tương phản: 947:1. Giá trị màu đen: 0.2 cd/m²
- ΔE màu: 6.74
- Phần trăm không gian màu: 53.8% sRGB và 37% AdobeRGB
Khả năng nhìn ngoài trời, góc nhìn
Màn hình của thiết bị có độ sáng thấp và dang màn hình gương, nên Latitude 5491 không thực sự ổn khi hiển thị ngoài trời. Ngay cả trong bóng râm, bạn cũng phải tránh hiện tượng đổ bóng. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, gần như chúng ta không thể nhìn thấy gì trên màn hình. Tấm nền IPS đảm bảo góc nhìn rộng, thoải mái, không bị biến dạng ngay cả ở góc nhìn hẹp nhất.
Hiệu năng
Tại thời điểm viết bài, Dell cung cấp cho Latitude 5491 với cấu hình gồm i5-8300H, i5-8400H, hoặc i7-8850H, bộ nhớ RAM từ 8 – 16 GB, bộ nhớ lưu trữ SATA hoặc PCIe NVMe SSDs.
Hiệu năng CPU
Thiết bị thử nghiệm của mình được trang bị bộ vi xử lý Coffee Lake H 6 nhân i7-8850H. Đây là CPU 45W kèm 9 MB cache, xung nhịp cơ bản là 2.6 GHz, hỗ trợ vPro. Điểm thú vị là Dell lựa chọn bộ vi xử lý Core i7-8850H (2.6 – 4.3 GHz) thay vì i7-8750H (2.2 – 4.1 GHz) phổ biến hơn. Tuy vậy, hiệu năng của máy không thực sự quá tốt, vì các phiên bản Latitude gaming có hệ thống làm mát tốt hơn, với CPU thấp hơn i7-8750H vẫn mạnh hơn khoảng 10% ở hiệu năng đa nhân. Latitude 5490 với bộ vi xử lý 4 nhân tiết kiệm năng lượng ULV có hiệu năng chậm hơn khoảng 30-50%.
Để xác định hiệu năng duy trì, cùng khả năng Turbo, mình có chạy bài thử nghiệm Cinebench R15 Multi loop. Các kết quả cho thấy, hiệu năng giảm khoảng 15% trong 3 vòng tiếp theo sau vòng đầu tiên, sau đó giảm dần. Điểm số thấp nhất là 810 điểm tương đương với giảm 25% hiệu năng. Dù vậy thì Dell Latitude 5491 vẫn vượt trội hơn nhiều so với các đối thủ sử dụng bộ vi xử lý 4 nhân Kaby Lake Refresh.
Hiệu suất chung của hệ thống
Hiệu năng hệ thống qua các bài đánh giá là rất tuyệt vời, dù không phải là đỉnh cao. Điểm lạ chính là dù có cấu hình mạnh, nhưng máy mạnh hơn Latitude 5490 với GPU tích hợp và bộ vi xử lý ULV 15W chỉ 5%. Dell XPS 15 9570 với CPU chậm hơn i5-8300H và GTX1050 cũng cho hiệu năng hệ thống mạnh mẽ hơn.
Hiệu suất ổ cứng
Toshiba XG5 SSD cung cấp tốc độ đọc tốt, nhưng tốc độ ghi không được quá nhanh. Hiệu năng khi so sánh với Latitude 5490 với ổ SATA SSD về cơ bản là tốt hơn. Dù vậy, sự khác biệt trong quá trình sử dụng hàng ngày là khó có thể nhận ra. Tại thời điểm mình viết bài, Dell chỉ cung cấp tùy chọn dung lượng tối đa là 512 GB.
Hiệu suất GPU
Nvidia GeForce MX130 là thế hệ tiếp theo của dòng GeForce 930MX. Trên chiếc Dell Latitude 5491, GPU DirectX12 kết hợp với SSDRAM GDDR5, cho tốc độ tối đa lên tới 1242 MHz. Hiệu năng tương đương với GeForce MX150, hoặc thấp hơn một chút từ 16-48% tùy từng bài đánh giá. Những máy được trang bị GPU tích hợp Intel UHD Graphics 620 chậm hơn khoảng 40%.
Khả năng chơi game
Hiệu năng GPU tốt, mang tới hiệu năng chơi game cũng có chút cải thiện. Dell Latitude 5491 với MX130 hoạt động với FPS gấp đôi so với những máy chỉ dùng GPU tích hợp Intel UHD Graphics 620. Có nghĩa là: Latitude 5491 chỉ thích hợp với những game cũ, nhẹ và cài đặt hình ảnh ở mức thấp.
Tiếng ồn, nhiệt độ
Tiếng ồn
CPU được nâng cao mức sử dụng năng lượng lên 45W, đi kèm GPU chuyên dụng thì quạt tản nhiệt phải hoạt động mạnh mẽ hơn để giảm nhiệt. Vì vậy Dell Latitude 5491 ồn hơn người anh em của mình. Độ ồn tối đa đo được là 46 dB(A), trong khi 5490 với CPU 15W đạt 43 dB(A). Latitude 5491 đang là thiết bị ồn nhất trong số những đối thủ khi so sánh ở phần tải nặng. Tuy nhiên, đối với các tác vụ nhẹ như văn phòng, xử lý văn bản, thiết bị vẫn rất êm ái và yên tĩnh.
Nhiệt độ
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ nhàn rỗi vào khoảng: 36.8 ºC
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ tải nặng tối đa vào khoảng: 62.8 ºC
Cấu hình mạnh mẽ cùng hệ thống tản nhiệt có vẻ hơi đuối sức khiến thiết bị khá là nóng nếu không muốn nói là rất nóng. Khi nhàn rỗi, nhiệt độ giữa các vùng tương đương nhau. Nhưng khi tải nặng thì độ chênh lệch giữa các vùng có thể lên tới 30 ºC. Phần chiếu kê tay vẫn khá mát mẻ khi chạm vào. Điểm nóng nhất lên tới 63 ºC ở phía trên bên trái của mặt dưới, bạn sẽ không thể sử dụng máy trên đùi ở điều kiện như trên.
Biểu đồ nhiệt độ của máy khi ở chế độ tải nặng:
Loa ngoài
Loa ngoài của máy được đặt ở cạnh trước phía trong góc. Chất lượng âm thanh có thể chấp nhận được đối với một chiếc laptop doanh nhân. Âm lượng đủ to để lấp đầy một phòng cỡ trung bình. Khi mở âm lượng tối đa, lòng bàn tay có cảm giác rung lên nhưng âm thanh không bị biến dạng quá mức. Nếu có điều kiện, bạn nên sử dụng tai nghe để có trải nghiệm âm thanh tốt hơn.
Tuổi thọ pin
Dung lượng pin không thay đổi là 68Wh, cấu hình được nâng cấp khiến thời lượng sử dụng giảm đi nhiều. Dưới điều kiện sử dụng bình thường, bạn có thể duyệt web khoảng 9,5 giờ với độ sáng màn hình 150 nits. Latitude 5490 với i7-8650U có thời lượng tốt hơn khoảng 2 tiếng.
Kết luận
Dell Latitude 5491 với bộ vi xử lý 6 nhân Core i7-8850H và GPU Nvidia GeForce MX130 mạnh mẽ vượt trội hơn thế hệ trước là Latitude 5490. Dĩ nhiên, để có thể tận dụng được 2 nhân bổ sung, thì các ứng dụng phải được lập trình để sử dụng được các luồng tăng thêm. Bên cạnh hiệu năng mạnh mẽ, thì Latitude 5491 vẫn là một chiếc laptop doanh nhân có thiết kế tốt, thiết bị nhập liệu tuyệt vời, cùng các đặc điểm công thái học tốt.
Điểm trừ của thiết bị chính là nhiệt độ cao khi tải, hiệu năng đỉnh không được duy trì tốt, cùng độ ồn tăng thêm. Hơn nữa, bộ sạc của máy cũng khá nặng, thời gian sử dụng pin cũng ngắn hơn.
Với những bạn chỉ tập trung vào xử lý văn bản, duyệt web thì Latitude 5490 vẫn làm một sự lựa chọn hợp lý với thời lượng pin dài, ít nóng và ít ồn hơn.