Gần đây mình đã đánh giá dòng laptop chơi game của Dell, G3 và G5. Hôm nay, chúng ta sẽ đánh giá về Dell G7 7588. Đây là phiên bản laptop 15 inch kế thừa của Inspiron 15 7577. Có một vài nâng cấp đáng chú ý làm cho chiếc laptop này nổi bật. G7 hiện được trang bị CPU Coffee Lake mới nhất của Intel (lên đến Core i9). GPU GTX 1060 Max-Q của Nvidia trang bị cho máy cũng có bước nhảy vọt về hiệu năng.
Thị trường máy tính càng ngày càng xuất hiện nhiều laptop gaming. Vì thế, G7 không hề thiếu đối thủ cạnh tranh. Mình sẽ so sáng G7 với một số laptop như Inspiron 15 7000 7577, HP Acios Helios 300, HP FX503VM, HP Omen 15t và Lenovo Legion Y520, Legion Y530. Hãy xem máy tính xách tay nào tốt nhất và phù hợp với ngân sách của bạn trong phân khúc này.
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là thông số kỹ thuật của chiếc laptop Dell G7 15 7588 được sử trong bài đánh giá này:
CPU | Intel Core i7-8750H |
GPU | NVIDIA GeForce GTX 1060 Max-Q |
RAM | 16GB |
Ổ cứng | 256GB |
Màn hình | IPS, 15.6 inch, tỷ lệ 16: 9 Độ phân giải 1920 x 1080 pixel, 141 PPI |
Cổng kết nối | 3 USB 3.0 / 3.1 Gen1 1 USB 3.1 Gen2 1 Thunderbolt 1 HDMI 1 DisplayPort 1 khóa Kensington Giắc âm thanh kết hợp 3,5 mm Đầu đọc thẻ: Đầu đọc SD / SDHC / SDXC Cảm biến độ sáng |
Kết nối không dây | Intel Wireless-AC 9560 (a / b / g / n = Wi-Fi 4 / ac = Wi-Fi 5) Bluetooth 5.0 |
Hệ điều hành | Microsoft Windows 10 Home 64 Bit |
Webcam | HD |
Pin | Li-po 56Wh |
Kích thước (Cao x Rộng x Dài) | 24,95 x 389 x 274,7 mm |
Trọng lượng | 2.63 Kg |
Đánh giá laptop Dell G7 15 7588
Thiết kế
Giống như các máy tính xách tay chơi game tầm trung trước đây của Dell, vỏ ngoài của G7 hầu như được làm bằng nhựa. G7 7588 giữ lại phần lớn thiết kế của Inspiron 15 7000 7577. Mặt trước với hốc tản nhiệt được làm lại, không còn to bản hay cách điệu với hình thù lạ mắt mà chỉ đơn thuần là các khe nhỏ đặt phía trước bộ phận tản nhiệt và đối xứng hai bên. Cùng với đó là vị trí đặt Logo G7 của máy ở nơi dễ dàng nhận thấy dù là đóng hay mở máy.
G7 7588 vẫn mang trong mình những đặc trưng của Series Gaming 7000 từ trước đến nay mà Dell luôn chú trọng. Đó là lối hiết kế đơn giản nhưng lại hiệu quả và chắc chắn. Chỉ mới cầm lên thôi thì máy đã mang lại cho mình một cảm giác cứng cáp, bền bỉ, tự tin hơn nhiều so với một số model trong phân khúc.
Dell cung cấp phiên bản màu đen, màu xám như thường lệ và thêm vào đó là phiên bản màu trắng xanh. Theo mình nhận thấy, sự kết hợp giữa màu xanh và màu trắng khá độc đáo. Nó làm cho thiết bị nổi bật hơn so với các laptop khác. Mình đánh giá cao lớp satin phủ ngoài vỏ, ngoài mang lại nét đẹp cho máy nó còn có khả năng chống dấu vân tay và vết bẩn cao.
Phần bản lề quen thuộc không nằm ở 2 bên mà được đặt ở chính giữa, tương tự như Series Gaming 7000. Cái bản lề này lúc nào cũng được mọi người đánh giá cao trong phần khúc, vì mức độ hoàn thiện khá là tốt so với các đối thủ khác. Bản lề giúp giữ màn hình ổn định trong khi gõ. Mở bằng một tay rất dễ dàng và màn hình có thể mở đến khoảng 135 độ. Về thiết kế, G7 được đánh giá cao, giống như phiên bản tiền nhiệm.
Xét về trọng lượng, chiếc laptop Dell G7 7588 nặng 2,6kg ngang ngửa với HP Omen 15t-ce000, trong khi Dell Inspiron 15 7000 nặng 2,7kg, Dell G5 15 5587 nặng 2,9kg. Tuy nhiên, máy vẫn có trọng lượng lớn hơn Lenovo Legion Y530-15ICH (2,3kg) và (chỉ 2,2kg).
Cổng kết nối
Dell G7 7588 bố trí cổng kết nối khá tốt, vì kích thước khá dày nên sẽ không bị hạn chế phần cổng kết nối trên thiết bị. Dell G7 15 7588 cũng được trang bị cả cổng HDMI giúp bạn có thể kết nối ra một màn hình lớn hơn để có những trải nghiệm tốt nhất trong từng trò chơi.
Webcam
Camera được đặt ở chính giữa viền trên màn hình. Webcam có chất lượng HD, tuy nhiên mình không thực sự đánh giá cao chất lượng hình ảnh của webcam trên Dell G7. Nhất là trong điều kiện thiếu ánh sáng, nó chỉ đủ dùng ở mức chấp nhận được mà thôi!
Khả năng bảo trì, nâng cấp
Một trong những điểm được đánh giá cao của dòng Inspiron 15 7000 là khả năng bảo trì và ưu điểm đó vẫn tiếp tục ở đây. Mặt đáy chỉ được cố định bằng 1 con ốc duy nhất nên bạn có thể nâng cấp và thay thế khá dễ dàng. Khi tháo ra, người dùng sẽ có thể tiếp cận vào hầu hết mọi thứ: Quạt, wireless card, RAM DIMMs… Các thành phần cần tháo gỡ thêm để tiếp cận là CPU và GPU.
Thiết bị đầu vào
Bàn phím
Các phím nhỏ (có kích thước 15 mm x 15 mm) và hành trình phím là 1,4 mm. Điểm cộng của bàn phím này chính là sự chắc chắn, mặt phím cho độ nhám và bàn phím hoàn toàn không flex. Nó cực kì cứng cáp. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều điểm trừ như việc hành trình phím có phần hơi ngắn và phím lại cứng nên cảm giác gõ có phần hơi hụt hẫng cũng như là hơi kỳ lạ. Trước đây, với các sản phẩm Gaming mà bàn phím có độ cứng nhất định, thì các hãng thường tinh chỉnh lại hành trình phím có phần dài hơn. Để khi ấn sẽ đem lại cảm giác nhấn đủ lực và đi hết hành trình cho mức độ thoải mái cao, còn trên G7 thì nó lại khá là hụt hẫng.
Khi nhấn phím thường ngón tay bạn sẽ hơi bị cong do hành trình, kèm đó tiếng của phím lại khá là đanh (không ồn lắm) nên sử dụng để chơi game cũng ổn. Nhưng cũng cần phải làm quen một thời gian dài vì nó hoàn toàn khác hẳn với những bàn phím gaming thường thấy.
Phần đèn nền cũng chuyển sang xanh dương với mặt phím màu đen nên tạo nên độ tương phản cao. Đối với phiên bản màu xám thì đèn nền màu đỏ.
Trackpad
Trackpad được trang bị trên G7 khá thuận tiện để sử dụng, mặc dù được đặt lệch về bên trái tuy nhiên đây là cách để tay phải người dùng ít chạm vào hơn, việc sử dụng bàn phím sẽ không gặp phải vấn đề nhận diện nhầm thao tác. Bề mặt trackpad được phủ nhám với phím chuột trái phải được đặt ngay bên dưới. Tuy nhiên bạn vẫn có thể sử dụng cử chỉ Windows Precision để thực hiện thao tác chuột mà không phải nhấn mạnh vào trackpad.
Màn hình
Thông số chính
- Công nghệ IPS
- Kích thước: 15.6 inch
- Độ phân giải: 1920 x 1080 pixel
- Độ sáng tối đa: 258,9 cd/m², trung bình: 246,2 cd/m². Tỷ lệ phân bố độ sáng: 89%
- Tỷ lệ tương phản: 738:1. Giá trị màu đen: 0,34 cd/m²
- ΔE màu: 7,34. Sau khi được hiệu chuẩn: 4,42
- Phần trăm không gian màu: 56% sRGB và 36% AdobeRGB
Khả năng nhìn ngoài trời, góc nhìn
Như với hầu hết các laptop trang bị màn hình IPS, góc nhìn của máy khá tốt. Hình ảnh vẫn rõ ràng và chính xác khi nhìn ở góc nhìn nghiêng, chỉ kém một chút khi góc quá lớn.
Màn hình không thể sử dụng ngoài trời hoặc dưới ánh sáng trực tiếp mặc dù đã được phủ lớp chống lóa. Có thể là do độ sáng của màn hình không tốt lắm. Tốt hơn bạn nên sử dụng máy trong bóng râm.
Hiệu năng
Hiệu năng CPU
Intel Core i7-8750H kết hợp với GeForce GTX 1060 đã tạo nên một cỗ máy chơi game tuyệt vời. Max-Q giúp cắt giảm lượng nhiệt và tiếng ồn mà không làm giảm nhiều hiệu suất.
Core i7-8750H thế hệ thứ 8 của Intel đã trở thành tiêu chuẩn vàng mới cho máy tính xách tay chơi game, thay thế cho Core i7-7700HQ. CPU sáu lõi mang lại một bước nhảy vọt về hiệu năng so với silicon cũ, đạt điểm cao hơn khoảng 50% trong thử nghiệm đa lõi của Cinebench R15. 8750H cũng bắt kịp với Core i9-8950HK đắt hơn nhiều trong cùng một điểm chuẩn. Về pin, điểm số Cinebench dao động khoảng 1000 hoặc khoảng 93% hiệu suất của máy khi được cắm sạc.
Hiệu suất chung của hệ thống
Hiệu suất hệ thống chung của Dell G7 7588 là tuyệt vời. Mình vẫn chưa gặp phải bất kỳ trục trặc nào trong quá trình sử dụng bình thường. Thời gian tải trò chơi đôi khi chậm, có thể là do SATA SSD. NVMe drive sẽ giúp giảm thời gian tải. Trong PCMark 8, G7 dễ dàng vượt qua các đối thủ khác trong cùng phân khúc.
Hiệu suất GPU
Về cấu hình thì không phải bàn vì G7 quá mạnh. Mạnh ở đây là GPU 1060 Max-Q và rất mạnh ở đây là con chip Core i7 6 nhân 8750H. Bạn sẽ không cần lãng phí thêm tiền để nâng cấp lên một vi xử lí mạnh hơn khi mà ngay cả con chip này đã quá thừa rồi. Trong hầu hết các tựa game mình chơi thì vi xử lí này chỉ hoạt động dưới <40% công suất nên trong trường hợp bạn muốn thì có thể xài GPU rời bằng cách sử dụng cổng USB-C là một giải pháp để tận dụng triệt để sức mạnh từ thiết bị.
G7 đạt điểm số 3DMark tốt hơn khoảng 50% so với các máy trang bị 1050 Ti, khiến việc nâng cấp trở nên vô nghĩa.
Hiệu suất ổ cứng
Dell cung cấp một vài option cho lưu trữ. Laptop mình sử dụng để đánh giá có SSD 128 GB và ổ cứng HDD 1 TB. SSD khởi động tương đối chậm theo tiêu chuẩn SATA. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhanh cho các công việc hàng ngày. Như đã đề cập ở trên, thời gian tải trò chơi hơi chậm một chút.
Khả năng nâng cấp của G7 là khá đáng kể, bên cạnh những thông số khủng ra thì RAM trong trường hợp cần thiết bạn vẫn có thể nâng cấp lên tối đa 32GB (16×2). Cùng đó trên máy cũng được trang bị một ổ HDD. Và với việc sở hữu vi xử lí thế hệ thứ 8 nên bạn có thể sử dụng công nghệ Optane để tuỳ biến lại thiết bị theo ý muốn của mình, với dung lượng siêu lớn và tốc độ cũng không kém phần kinh ngạc.
Khả năng chơi game
Không có gì ngạc nhiên khi GTX 1060 Max-Q dễ dàng xử lý hầu hết các trò chơi ở cài đặt FHD / High. Điều đáng ngạc nhiên là 1060 Max-Q của G7 có thể theo kịp với full GTX 1060. Mặc dù được thiết kế để giảm một số mức tiêu thụ năng lượng và nhiệt lượng của 1060, 1060 Max-Q phù hợp với 1060 trong hầu hết các trò chơi. Một lần nữa, việc nâng cấp là không cần thiết. Các tựa game đòi hỏi khắt khe hơn hoặc được tối ưu hóa kém hơn sẽ cần phải có các cài đặt đồ họa để đạt 60 FPS. Nhưng với kiến trúc Max-Q trên nền GTX 1060, G7 đã sẵn sàng để xử lý hầu hết các tựa game hiện đại.
Dưới đây là đánh giá với trò chơi Rise of the Tomb Raider:
Tiếng ồn, nhiệt độ
Tiếng ồn
Nhược điểm của G7 là tiếng ồn của quạt lớn. Các quạt tạo ra tiếng ồn từ khoảng 46 đến 50 dB (A) trong khi chơi trò chơi. So với các máy tính xách tay chơi game khác, độ ồn của quạt G7 chỉ ở mức trung bình.
Khi cho máy chạy ở tải trong thời gian ngắn (sao chép tệp tin) độ ồn do quạt tản nhiệt phát ra khoảng 29 dB. Tiếng ồn tối đa đo được khoảng 50 dB.
Nhiệt độ
Khi không hoạt động nhiệt độ bề mặt trung bình của máy vào khoảng 24-26 độ C. Khi cho máy chạy ở tải nặng, nhiệt độ tối đa đo được lên tới 51 độ C một số khu vực. Trong khi các hốc tản nhiệt phía sau đạt 50 °C, bàn phím vẫn tương đối mát khi tải. Trung tâm phía trên (cụ thể ở giữa các phím Y, U và 7) có cảm giác ấm khi chạm vào khi tải, nhưng các phím WASD, phần nghỉ tay và phím số vẫn tương đối mát.
Loa ngoài
Trải nghiệm loa của G7 mang lại ở mức ổn, vì không có loa Sub nên âm ra thiếu Bass khá hụt hẫng trong nghe nhạc. Nhưng bù lại có âm lượng lớn và có độ chi tiết nên mang lại âm thanh trong chơi game tốt. Phần mềm Waves MaxxAudio Pro trên G7 được tích hợp mang đến những thay đổi nhỏ trong chất lượng âm thanh mà người dùng cần sử dụng tai nghe mới có thể phát huy tốt được, với nhiều tuỳ chọn thiết lập để người dùng chọn ra chất lượng phù hợp với mình nhất.
Tuổi thọ pin
Dell G7 7588 được trang bị pin lithium-polymer 56 Wh. Thử nghiệm ở độ sáng 150 nits về khả năng lướt web, kết quả cho thấy máy có thể trụ được khoảng hơn 7,5h, đánh bại hầu hết các laptop chơi game khác. Nhìn chung nếu bạn sử dụng với các tác vụ văn phòng cơ bản máy hoàn toàn có thể trụ được khoảng 7-8 tiếng đồng hồ. Một thời lượng pin tốt cho một chiếc laptop hiệu năng cao như này!